Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mở rộng di sản văn hóa đô thị Hà Nội


Cầu đá đường sắt dọc phố Phùng Hưng có hơn 100 năm tuổi.
 
1. Sau chợ đêm Đồng Xuân, không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận vào dịp cuối tuần, người Hà Nội và du khách đã có thêm một khoảng không gian rộng lớn giữa lòng Thủ đô. Đó là một Hà Nội mang nhiều nét hoài niệm tĩnh lặng để tách bạch với ồn ã xe cộ. Trong không gian trầm mặc, mỗi người có thể trở lại tuổi thơ qua những trò chơi truyền thống, thưởng thức một tích chèo cổ, câu hát xẩm xoan, với những nhạc cụ xưa cũ. Cũng có thể chọn một góc để cùng các bạn trẻ biểu diễn nghệ thuật đường phố. Không gian đi bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm đã khẳng định được tính hiệu quả có sức hút đôi với cộng đồng, du khách, phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm, kích cầu phát triển du lịch, dịch vụ.
 
Cảm hứng ấy có thể gặp ở phố sách (đường 19/12 cũ), một địa chỉ văn hóa mới của Hà Nội.
 
Trong các không gian công cộng đó, con người được thỏa mãn nhiều hơn những nhu cầu sống của mình: giao tiếp, kết bạn, học hỏi, vui chơi, giải trí…
 

Bốn vòm cửa đã được mở hơn 30 năm nay.
 
2. UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc đục thông, khôi phục lại các ô cầu đường sắt dọc tuyến phố Phùng Hưng sẽ được triển khai thận trọng, khoa học để đây thực sự trở thành không gian văn hóa, kết nối với các tuyến phố cổ phục vụ nhân dân… Về lịch sử những ô cầu, cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ ngã tư phố Phùng Hưng/Trần Phú lên đến ga Long Biên dài 1,2km, dốc dần lên điểm cao nhất cao  6m, xây bằng đá xanh Thanh Hóa, chạy qua  phố Phùng Hưng và Gầm Cầu nối lên cầu Long Biên. Bức tường đá có 131 vòm cuốn, đỉnh vòm cao từ 3,5m đến 4,5m. Phần trên các vòm cầu vững chắc là hệ lan can sắt rèn thủ công. Hiện nay, có 4 vòm cầu đã đục thông làm đường đi. Dự kiến, 127 vòm cầu còn lại sẽ được cải tạo thành không gian công cộng, hoạt động theo mô hình phố sách hoặc địa điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Việc mở lại những vòm cầu này để phục vụ người dân đi lại cũng như làm không gian văn hóa, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, sách… với hai hành lang có quĩ đất rộng hơn 7.000m2.
 

Hành lang bên cầu là nơi giữ xe, tập kết hàng hóa. 
 
Cải tạo di sản đô thị là đưa một cuộc sống mới vào đó. Dự kiến, sau khi đục thông các vòm, sẽ cải tạo thành không gian văn hóa công cộng như phố sách, cà phê sách, các hoạt động nghệ thuật, hội họa… phục vụ nhu cầu của người dân, du khách tham quan… Đây cũng là việc đã được người Pháp thực hiện từ lâu ở các vòm cầu tại nước Pháp, thậm chí có tuổi đời còn cao hơn các vòm cầu ở Hà Nội. Cụ thể, họ “biến” đây thành các gian phòng để trưng bày, triển lãm tranh hay dạy nhạc cho trẻ em...
 

Người dân buôn bán bên hành lang cầu.
 
Đa phần người dân tại khu vực đường Phùng Hưng đều ủng hộ ý tưởng táo bạo này. Việc đục thông các vòm cầu giúp kết nối người dân ở 2 khu phố với nhau sau nhiều năm “gần nhà xa ngõ” và thuận tiện hơn trong việc trao đổi hàng hóa, buôn bán. Kết cấu vòm là kết cấu an toàn nhất trong các kết cấu và các vòm cầu này lại được xây bằng đá từ thời Pháp nên rất chắc chắn. Trước đây, các vòm cầu này thông, nhưng sau đó, vì tình trạng mất vệ sinh, mất an ninh trật tự tại khu vực nên Hà Nội mới tiến hành bịt kín. Do đó, việc đục thông, khôi phục lại các vòm cầu không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như độ an toàn của đường sắt. Nhiều kiến trúc sư nhìn nhận: Trong một ngôi nhà, nếu ban đầu ta đã tính đến việc đặt cửa sổ thì sau này, dù ta lắp cửa sổ bằng vật liệu khác nhau như gỗ, khung kính… hoặc bịt cửa sổ này lại thì cũng không gây ảnh hưởng đến kết cấu chung của ngôi nhà.
 

Việc khôi phục các vòm cầu sẽ tạo ra một không gian văn hóa, sinh hoạt mới.
 
Về những băn khoăn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự khi các vòm cầu được đục thông và tổ chức các hoạt động văn hóa công cộng, những nội dung này đã được tính đến, cũng như sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tìm giải pháp tối ưu. Quận Hoàn Kiếm đang xem xét các phương án bãi đỗ xe trong khu vực và toàn quận để đáp ứng nhu cầu người dân; xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự… nhằm biến nơi đây thực sự trở thành một không gian văn hóa, “điểm đến” ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.
 
 
 

 

Thành Sơn/GĐTE

Tin liên quan