Thời gian gần đây, vấn nạn xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, đã gióng lên hồi chuông báo động cần sự tham gia vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Trong đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau.
Xâm hại trẻ em ở nhiều dạng tội phạm khác nhau như giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Trẻ em bị xâm hại tình dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần, dẫn tới mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang và bị xã hội lên án mãnh liệt
Theo thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau, 10 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã thụ lý 558 vụ. Trong đó, có 47 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, độ tuổi trẻ em bị xâm hại dưới 13 tuổi đang có xu hướng tăng, đa phần các vụ việc mà đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân thích và người quen biết của bị hại.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau cho biết, những vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng luôn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh quan tâm. Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời phát hiện và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự.
Ông Ngô Đức Bính đã bảo vệ thành công cho 60 vụ trẻ bị xâm hại thời gian qua. Một trường hợp khiến ông Bính nhớ mãi, đó là bé D.B.Tr, ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng (Cái Nước) - trường hợp ông Bính tham gia trực tiếp tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Người thực hiện hành vi chính là dượng rể của cháu Tr. Lợi dụng sự non dại của bé và lòng tin của ba mẹ vợ, đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi của mình khi bé Tr, khi bé chưa tròn 12 tuổi. Sự việc bại lộ, bản thân đối tượng không biết hối cải mà còn thách thức gia đình bé Tr. “Tức nước vỡ bờ”, mẹ bé Tr trình báo với ngành chức năng để điều tra và truy tố đối tượng ra pháp luật.
Hoàn cảnh bé Tr rất đáng thương, cha mẹ chia tay từ khi em mới lọt lòng. Vì cảnh nghèo, mẹ bé Tr gửi con cho mẹ ruột của mình nuôi nấng để mưu sinh nơi xứ người. Hơn 12 năm qua, Tr sống với ngoại thiếu tình thương và sự dạy dỗ của mẹ, ngoại già yếu không quan tâm nhiều đến cháu và dưới dự đe dọa của dượng nên dù có bị lợi dụng cháu Tr vẫn không dám kể cùng ai. “Cứ tưởng dượng yêu cháu như con. Nhưng đến khi mọi chuyện vỡ lỡ thì hối hận đã muộn”, ngoại bé Tr bùi ngùi.
Ông Bính chia sẻ: “Mỗi một vụ án là một câu chuyện khác nhau. Mình muốn xâm nhập vào nó thì phải đặt mình vào từng trường hợp. Không chỉ nói lý mà người ta nghe, vì vậy cần có cái tình để xoa dịu nỗi đau của gia đình và các em nhỏ. Phải có quyết tâm vạch trần hành vi vi phạm của đối tượng xâm hại trẻ em để họ trả giá trước pháp luật cho hành động của mình”.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ xâm hại trẻ em trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về Luật trợ giúp pháp lý thông qua nhiều hình thức, phương pháp để người dân nhận thức đầy đủ hơn về luật. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm; nhất là huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.