Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một số đề xuất trong việc thực hiện Bình đẳng giới ở Hà Nội


Cần tạo điều kiện về mọi mặt cho phụ nữ và trẻ em gái, để thực hiện bình đẳng giới. Ảnh: KT
 
Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện BĐG
 
Có thể thấy, ở một số địa phương, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về phụ nữ và công tác phụ nữ còn hạn chế, chưa quán triệt đầy đủ về BĐG, còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Định kiến giới, tình trạng bất BĐG, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các tệ nạn xã hội, các vụ án hình sự, dân sự liên quan đến phụ nữ, trẻ em còn diễn biến phức tạp; Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và cơ sở còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của phụ nữ; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BĐG ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Tài liệu truyền thông về BĐG còn ít, nội dung nghèo nàn; Công tác phối hợp triển khai phổ biến giáo dục pháp luật để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và việc thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của địa phương, đơn vị còn hạn chế.
 
Hơn nữa, một số ngành, địa phương ở Hà Nội còn chưa thực sự quan tâm đến công tác BĐG, nên chưa bố trí nguồn lực cho hoạt động này; Chưa chủ động triển khai nhiệm vụ theo quy định của Luật và các Nghị định, Nghị quyết, Chiến lược, Kế hoạch của Đảng và Chính phủ về BĐG, trong khi nguồn lực đầu tư cho các hoạt động từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế. 
 
Công tác thu thập thông tin, xử lý số liệu, báo cáo về Luật BĐG của các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương chất lượng còn thấp và bộ máy tổ chức thực hiện tham mưu quản lý Nhà nước về BĐG (trước năm 2010 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2010 chuyển về Sở LĐTBXH), đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, nên có nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn, về giới, kỹ năng lồng ghép giới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhất là ở cấp cơ sở…
 


Phụ nữ Thủ đô ngày càng khẳng định vị thế trong việc tham gia vào các lĩnh vực để  phát  triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ảnh: KT
 
Các giải pháp và đề xuất để nâng cao hiệu quả thi hành Luật BĐG 
 
Để việc thực hiện Luật BĐG được triển khai thực hiện nghiêm túc ở các cấp, các ngành, đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ Thủ đô ngày càng vươn lên, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phải quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống cán bộ làm công tác BĐG và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và các đơn vị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được hiệu quả.

Một vấn đề nữa đó là, Hà Nội cần đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền phù hợp thực tế của địa phương; Hỗ trợ địa phương tài liệu tuyên truyền về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Ưu tiên đầu tư nguồn lực đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu trong Chương trình hành động Quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020; Hỗ trợ kinh phí để xây dựng các Mô hình BĐG; Thực hiện lồng ghép công tác BĐG vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của các ngành, đơn vị, địa phương. 
 
Do Công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ chủ yếu là hoạt động lồng ghép, vì vậy, cần có cơ chế và chỉ đạo phối hợp đồng bộ, liên ngành từ Trung ương đến địa phương và tăng cường hỗ trợ Thủ đô về kinh phí và kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG  ở cấp thành phố, cấp huyện và mở các lớp tập huấn cho các đối tượng khác nhau như: thanh tra, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các báo, đài và các cơ quan truyền thông, cán bộ ngành tư pháp, cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành. 

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về BĐG trên địa bàn Hà Nội, Sở LĐTBXH tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác BĐG cho hệ thống cán bộ làm công tác BĐG và  Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các ngành, các cấp trên địa bàn toàn TP, nhằm trang bị kiến thức về Luật BĐG trong đó nhấn mạnh các nội dung quản lý Nhà nước về BĐG, tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. Cần xây dựng cơ chế quy định cụ thể tỷ lệ nữ trong nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, trong chỉ tiêu chiêu sinh đào tạo trong các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước, các khóa đào tạo sau đại học, cần nghiên cứu các chính sách cụ thể đối với cán bộ nữ về đào tạo, bố trí, sử dụng, đề bạt ở các vị trí lãnh đạo, quản lý.
 
Việc lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội thời gian qua,  cần xem xét trên cả 2 mặt: Đối với kinh tế, tập trung vào vấn đề việc làm của phụ nữ (trong các ngành kinh tế quốc dân, đặc biệt là nông nghiệp phát triển nông thôn và xoá đói giảm nghèo) và tiếp cận các dịch vụ tài chính. Về xã hội, bao gồm các vấn đề như: phụ nữ với tiếp cận các dịch vụ giáo dục, đào tạo, học nghề để có nhiều cơ hội về việc làm với thu nhập đảm bảo cuộc sống và có cơ hội phát triển; phụ nữ với tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ, cải thiện các chỉ số về sức khoẻ, tuổi thọ; điều kiện về các dịch vụ văn hoá thông tin; phụ nữ với các vấn đề được Nhà nước và xã hội quan tâm, tạo cơ hội thăng tiến để có tiếng nói và tham gia công tác lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chi Lan/GĐ&TE

Tin liên quan