Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một số giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở mốt số quốc gia



Australia: Thuốc lá đóng gói trong bao bì không mang logo thương hiệu


Australia là nước đầu tiên trên thế giới yêu cầu các sản phẩm thuốc lá đóng gói trong bao bì không mang logo thương hiệu. Kể từ đó, một loạt các nước trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu đã triển khai các biện pháp tương tự Australia, trong đó có Pháp, Hungary và Anh. Singapore dự định triển khai các hạn chế tương tự đối với bao bì thuốc lá vào năm tới.


Thái Lan - nước đầu tiên ở châu Á áp dụng bao bì thuốc lá đơn giản


Ngày 10/9, Thái Lan đã bắt đầu áp dụng bao bì đơn giản cho các sản phẩm thuốc lá, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á ban hành biện pháp được cho là mang lại hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá.


Năm 2018, Thái Lan đã nhất trí tuân thủ với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó, từ ngày 10/9, các sản phẩm thuốc lá được đóng gói trong bao bì đơn giản đã chính thức được bày bán tại các cửa hàng. Các chủ thể kinh doanh có thời hạn cho đến ngày 8/12 phải loại bỏ các sản phẩm thuốc lá đóng gói trong bao bì cũ, nếu không sẽ chịu mức phạt tới 40.000 baht (khoảng 1.300USD).


Thuốc lá được đóng gói trong bao bì được tiêu chuẩn hóa gồm hình ảnh cảnh báo về tác động của thuốc lá đối với sức khỏe và tên thương hiệu không kèm logo được viết bằng phông chữ đơn giản.


Theo Phó chủ tịch Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á, một tổ chức phi chính phủ, Prakit Vathesatogkit, kiểu chữ giống nhau in trên bao thuốc lá ở dưới hình ảnh về các bệnh do hút thuốc lá gây ra sẽ khiến sản phẩm ít hấp dẫn hơn đối với người mua, khiến những người không hút thuốc hoặc trẻ em ít muốn tập hút thuốc.


Hiện có trên 246 triệu người hút thuốc ở các nước Đông Nam Á. Giá thuốc lá thấp khiến khu vực này trở thành một trong những nơi tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới. 


Đức ủng hộ cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá

 

Ngày 26/6/2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ ủng hộ ban hành lệnh cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội Liên bang, Thủ tướng Merkel cho rằng đã đến lúc cần phải xem xét và đưa ra quyết định cấm mọi hình thức quảng cáo đối với các sản phẩm thuốc lá. Theo bà, các nghị sĩ trong Quốc hội Liên bang Đức nên có hành động và sớm đưa ra quyết định cho vấn đề này. Mặc dù thừa nhận việc cấm quảng cáo thuốc lá vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi ngay trong liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), song Thủ tướng Merkel khẳng định mọi việc sẽ được giải quyết.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây do Viện nghiên cứu Forsa tiến hành, 69% số người Đức được hỏi đều nhất trí ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với mọi hình thức quảng cáo thuốc lá.


Mỹ siết chặt hoạt động quảng cáo thuốc lá điện tử

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 9/9 cáo buộc JUUL đã phớt lờ các quy định pháp luật, đồng thời cảnh báo hãng sản xuất thuốc lá điện tử hàng đầu của nước này phải chấm dứt các quảng cáo tuyên truyền các sản phẩm của hãng ít độc hại hơn so với hút thuốc lá truyền thống.

 

Người đứng đầu FDA chỉ rõ JUUL vi phạm quy định về tiếp thị sản phẩm khi quảng cáo sản phẩm của hãng có mức độ nguy hại ít hơn, nhưng lại không đưa ra bất cứ bằng chứng khoa học cụ thể nào.


Tại Mỹ, hiện đang ghi nhận nhiều ca mắc bệnh phổi nghiêm trọng nghi do hút thuốc lá điện tử. CDC đã ghi nhận 215 người hút thuốc lá điện tử có các vấn đề về phổi, trong đó có thanh thiếu niên rơi vào tình trạng hôn mê sâu và 5 người đã tử vong. Các nhà điều tra Mỹ hiện vẫn chưa xác định nhãn hiệu hay sản phẩm thuốc lá điện tử cụ thể gây ra các bệnh về phổi.

Nguyễn Minh Hoàng (Theo Quỹ PCTHTL)/TC GĐ&TE

Tin liên quan