Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Được ví như “Hậu duệ mặt trời” phiên bản đời thực, “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hoà bình” là cuốn sách được chấp bút bởi nhà báo Nam Kha, qua lời kể của Trung úy Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc Nguyễn Sỹ Công, công tác tại khoa Khám bệnh Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách chúng ta hơn 8.500 cây số, và nội chiến vẫn xảy ra hằng ngày.

Cuốn sách được chia thành nhiều chương, gồm lời kể và hình ảnh về cuộc sống, công việc, sinh hoạt của quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Những người lính không trực tiếp cầm súng, họ vẫn có một cách riêng để gìn giữ hoà bình: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực. Sẽ có lúc, bạn đọc ngời ngời khí thế tự hào khi tác giả kể về hình ảnh lá cờ Tổ quốc: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên hợp quốc.

mnx_n.jpg
Bìa cuốn sách “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hoà bình”.

Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là quốc gia đã từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên hợp quốc đem hoà bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”.

Trong những trang sách, qua lời kể và hình ảnh, nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt anh cùng đồng đội. Tất cả như liều thuốc diệu kỳ, xóa tan những nhọc nhằn và căng thẳng nơi chiến tuyến.

Trong khu căn cứ, trên những cột cờ hay trong các chương trình thiện nguyện, hình ảnh quân nhân Việt Nam qua mắt bạn bè quốc tế là: Tích cực trong các buổi hội thao, diễu hành quân sự, trao đổi nghiệp vụ, tập huấn chung với các quốc gia khác để học hỏi lẫn nhau…

Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh từ “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình”, bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh, thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười và thấy hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ qua những hành động đẹp. 

Tác giả Nam Kha, người chấp bút cho cuốn sách chia sẻ: “Tôi chủ động liên hệ, mong muốn Sỹ Công kể nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ xa xôi.

Nghe và ghi chép - trước là để thỏa chí tò mò, thích tìm hiểu khám phá ở vai trò một nhà báo và sau là viết lại để chia sẻ cho độc giả trẻ khắp nơi, hy vọng phần nào trả lời được câu hỏi “Hoà bình là gì?”, từ đó góp phần hun đúc tình yêu đất nước trong trái tim mỗi người trẻ chúng ta”. 

Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần 1 nghìn chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hoà Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei và trụ sở Liên hợp quốc.

Hành trang khởi bước là niềm tin, quyết tâm vì sứ mệnh của Tổ quốc, nhưng hành trang trở về của những người lính mũ nồi xanh chắc chắn sẽ “nặng ký” hơn bởi tình cảm từ những công dân sở tại cùng bạn bè quốc tế.

Trên chuyến bay hồi hương, anh cùng đồng đội đã để lại mảnh đất châu Phi âm sắc tiếng Việt, giai điệu, màu cờ sắc áo và những mến thương “đi dân nhớ, ở dân thương”. Anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một phiên bản khác - trưởng thành và chín chắn hơn.

Chia sẻ về cuốn sách, Thiếu tá Tạ Thị Hường cho biết, chị có cơ hội được nhìn lại hành trình 15 tháng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại mảnh đất châu Phi khắc nghiệt của chính mình.

“Cuốn sách tái hiện những gì chân thực nhất có thể của hình ảnh bộ đội Cụ Hồ khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, luôn mạnh mẽ, kiên trung, năng động, sáng tạo và không ngừng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Tôi tin rằng đây là cuốn sách mới lạ nhất rất đáng để độc giả tìm đọc”, Thiếu tá Tạ Thị Hường nói.

Hành trình trong “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hoà bình” mở ra và truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Phần kết cuốn sách, chàng trung úy trẻ bật mí đã nhận được quyết định tiếp tục công tác tại Nam Sudan. Một cái kết có hậu nhưng cũng hứa hẹn mở ra hành trình tươi đẹp tiếp theo. 

Duy Linh

Báo Lao động Xã hội số 65