Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Kể chuyện cuộc đời bằng ảnh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với 35 năm đồng hành cùng chiếc máy ảnh như duyên trời định, nhiếp ảnh gia (NAG) Nguyễn Á đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Dấn thân để trải nghiệm

Nguyễn Á (SN 1968 tại TPHCM), hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, là một trong những NAG năng động, tràn đầy năng lượng.

35 năm rong ruổi mọi nẻo đường cùng chiếc máy ảnh là bạn đồng hành, với mong muốn tạo ra không chỉ các tác phẩm truyền cảm hứng về giá trị của cái đẹp mà còn như một nhân chứng lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc, câu chuyện nhân văn trong cuộc sống. 

6.jpg
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (áo đỏ) chụp ảnh cùng các chiến sĩ mũ nồi xanh tại Nam Sudan.

Đến nay, anh đã sở hữu 19 đầu sách ảnh và 20 cuộc triển lãm ảnh cá nhân, cùng nhiều giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. 

Trên bước đường sáng tác của mình, nhân vật của Nguyễn Á thường là những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Không dừng lại ở đó, mỗi lần bấm máy anh còn ghi lại nhiều sự kiện lớn được dư luận quan tâm như những khoảnh khắc sinh tử của con người trong đại dịch Covid-19; sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan...

Điều đáng trân trọng hơn, đó là gần như tất cả những cuộc hành trình tới nhiều vùng đất còn gian khó ấy là do anh tự nguyện dấn thân.

Với sự trải nghiệm, đam mê và sáng tạo không ngừng, năm 2023, Nguyễn Á vinh dự được nhận giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật năm 2022 với sách ảnh mang tên “Họ đã sống như thế”, đây cũng là cuốn sách ảnh đầu tiên của anh.

Tác phẩm được NAG Nguyễn Á lặng lẽ thực hiện trong 2 năm, là hình ảnh về 100 nhân vật khuyết tật của Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc. Họ là những tấm gương phi thường, truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. 

NAG Nguyễn Á chia sẻ: “Tôi luôn tìm được sự yêu thích với mỗi khoảnh khắc mà mình được cầm máy, thích điều mình làm và được làm điều mình thích. NAG tâm huyết bao giờ cũng giữ cho mình một góc nhìn mới, luôn làm mới mình, không bao giờ lặp lại cái cũ và không ngừng học hỏi để tìm kiếm sự sáng tạo”.

Với anh, luôn tìm tòi những góc chụp lạ, những khung hình cũ sẽ không bấm máy. Do vậy, có cơ hội được đặt chân đến Trường Sa gần chục lần, nhưng mỗi chuyến đi của anh là một hành trình mới, khám phá mới với những khung hình mới, góc chụp lạ. “Để làm được điều đó, tự mình cũng phải gây áp lực cho bản thân”, Nguyễn Á cho biết.

Khắc họa hình ảnh con người Việt Nam tại Nam Sudan 

1.jpg
Bìa cuốn sách ảnh "Hành trình cùng Lực lượng Gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng". 

 

Nguyễn Á bước chân vào con đường làm sách ảnh nghệ thuật từ năm 2008. Anh làm sách vì yêu nghề chứ không phải vì kinh doanh, đồng thời anh muốn đi một con đường riêng mà không lẫn với ai. “Mỗi cuốn sách của tôi đều có chủ đề khác nhau hoàn toàn. Câu chuyện phải đi từ trái tim đến trái tim và giúp người ta thấy được nhiếp ảnh đã làm gì cho xã hội”, anh nói.

Cuốn sách ảnh "Hành trình cùng Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng" là một ví dụ. Với trên 300 bức ảnh được chọn ra từ hàng nghìn bức ảnh anh đã ghi lại điểm khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), vượt qua chặng đường dài 8.000km đến Juba - Thủ đô của Nam Sudan. Cuốn sách mang đến cho người xem nhiều cảm xúc ấn tượng, xen lẫn tự hào.

Ngắm từng bức ảnh, người xem thấy được một Nam Sudan như đang hiện hữu. Nguyễn Á đã chớp lấy từng khoảnh khắc, mỗi khung hình của anh là một câu chuyện với dòng chú thích ảnh súc tích, giúp người xem hiểu rõ được nội dung tấm ảnh và thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

4.jpg
Trung úy, điều dưỡng trưởng Nguyễn Mạnh Dũng cùng đồng đội Bệnh viện Dã chiến 2.4 tận tình hỗ trợ bệnh nhân xuất viện.

Nguyễn Á chia sẻ: “Tháng 4/2022 tôi nhận được quyết định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý cho tác nghiệp một tháng ở Nam Sudan. Đó là điều đặc biệt nhất trong tất cả những điều đặc biệt mà tôi đã có. Điều may mắn đầu tiên của tôi là có cơ hội được hợp tác và đồng hành cùng lúc với hai lực lượng của Bệnh viện Dã chiến (BVDC) 2.3 và 2.4.

Tôi đã bị cuốn theo guồng làm việc liên tục của tất cả mọi người, hết ngày này qua ngày khác ghi lại các hoạt động hỗ trợ khám chữa bệnh nối tiếp nhau, theo chân Ban giám đốc đối ngoại để ghi lại các cuộc tiếp xúc cũng như viếng thăm đối tác của các nước bạn xung quanh BVDC… Kế đến là được tận mắt chứng kiến “gã khổng lồ” Boeing C17, mà tôi đã được nghe nói đến từ lâu.

Chuyến đi là cơ hội quý giá và hiếm hoi trong đời nên tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình, hoạt động hết khả năng để có càng nhiều hình ảnh tư liệu càng tốt, phần nào góp sức khắc họa hình ảnh về con người Việt Nam đang thông qua tổ chức Liên hợp quốc chung tay giúp đỡ bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, giới thiệu thêm về con người và đất nước Nam Sudan, một quốc gia tuy còn bất ổn về chính trị, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng người dân vẫn luôn lạc quan, tươi cười và vô cùng mến khách. Mỗi lần gặp đoàn Việt Nam họ luôn nở nụ cười và nói với chúng tôi: “Việt Nam good, Việt Nam number one”!

Tôi rất tự hào khi hình ảnh Việt Nam hiện diện thật đẹp trong trái tim họ. Những giá trị nhân văn tốt đẹp này cùng niềm vui hạnh phúc lấp lánh trong mắt các bệnh nhân khi được xuất viện chính là khởi nguồn cho những cảm xúc rất đặc biệt trong tôi, tạo động lực để tôi cho ra đời cuốn sách rất ý nghĩa này.

3.jpg
Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng khoa Nội - Truyền nhiễm Bệnh viện Dã chiến 2.4 khám bệnh cho bệnh nhân người Ethiopia.

Chuyến đi của tôi bắt đầu từ 27/4/2022 đến 27/5/2022, khi ra sách là ngày 1/7/2022. Tức là từ ngày đi đến ngày ra sách chỉ có 64 ngày. 1 tháng tại Nam Sudan khá vất vả, khi trở về tôi bị sụt 5kg. Tôi muốn vừa chụp ảnh, vừa biên tập thực sự chu đáo và kỹ lưỡng để chuẩn bị cho cuốn sách”.

Trung tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Chỉ huy trưởng Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan cho biết: “Như một phần thưởng cho những gì tốt đẹp mà những chiến sĩ mũ nồi xanh, NAG Nguyễn Á đến với chúng tôi trong những ngày cuối tháng 4, tháng 5 năm 2022 để ghi lại những hình ảnh quá trình luân chuyển lực lượng, bàn giao nhiệm vụ giữa hai Thê đội của BVDC 2 Việt Nam; đồng thời ghi lại những hình ảnh chân thật nhất về quá trình thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động sinh hoạt đời thường của toàn bộ Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan.

Bằng những trải nghiệm thực tế trong thời gian 1 tháng ăn, ở, sinh hoạt cùng các chiến sĩ mũ nồi xanh, cùng sự đam mê và năng lực chuyên môn Nguyễn Á đã giúp chúng tôi lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ; đồng thời giúp lan tỏa đến từng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về những gì mà các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam từng ngày trải qua tại đất nước Nam Sudan xa xôi”.

Cù Hòa

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...