Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mùa lễ hội: Thực phẩm chay hút khách

Nhu cầu thực phẩm chay phục vụ tháng giêng, thậm chí cả trong mùa lễ hội đang tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu của thực khách, các siêu thị nhập thêm nhiều mặt hàng chay, các quán kinh doanh ngành hàng này cũng tăng thêm nhiều thực đơn cho khách lựa chọn.

 

Hàng nội lên ngôi...

 Hiện nay ăn chay không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tôn giáo hay trào lưu nhất thời, mà đã trở thành vấn đề được cộng đồng quan tâm, hưởng ứng tích cực, nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng hàng ngày. Tháng giêng, ngoài đi lễ chùa, nhiều gia đình tìm đến những nhà hàng, quán ăn chay để thưởng thức những món chay ngon, độc đáo và cầu an cho cả năm.

Các cửa hàng ăn chay để hút khách thường bài trí không gian nhà hàng thanh tịnh, mở nhạc thiền, mô phỏng chốn cửa thiền. Nhiều gia đình trong những ngày đi lễ cũng chỉ dùng món chay.

Tại Hà Nội, số lượng nhà hàng, quán chay mọc lên ngày một nhiều, từ bình dân cho tới cao cấp. Khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán chay khởi sắc ngay từ những ngày đầu tháng giêng năm Ất Mùi 2015.Cơm chay nàng tấm.

Cơm chay nàng tấm.

Tại các nhà hàng chay có tiếng tại Hà Nội như: Cơm chay nàng Tấm (đường Trần Hưng Đạo); Cơm chay Hà Thành (phố Kim Mã); Tiệm ăn chay Âu Lạc (đường Láng); Cơm chay Thiện Tâm (đường Giải Phóng) hay Nhà hàng Việt chay Thăng Long (Nam Thành Công)... luôn đông thực khách.Giá buffet chay tại các nhà hàng, quán ăn bình dân có giá phổ biến từ 65.000 – 85.000 đồng/suất dành cho trẻ em và 135.000 – 150.000 đồng/suất dành cho người lớn.

Không kém phần sôi động, ngành hàng thực phẩm chay công nghệ, sản phẩm đóng hộp, sản phẩm đông lạnh, cũng bán buôn đắt hàng trong thời điểm này.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Siêu thị Big C cho biết: “Mùa ăn chay năm nay, các mặt hàng thực phẩm sản xuất trong nước và thương hiệu Việt được người tiêu dùng ưa chuộng, diển hình như các thương hiệu Âu Lạc, Cầu Tre, SG Food, Vissan... Bên cạnh việc duy trì sự ổn định về giá cả, các nhà sản xuất trong nước cũng đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, góp phần cung ứng ra thị trường những mặt hàng mới về chủng loại, mùi vị, được ưa chuộng hơn hẳn các mặt hàng chay ngoại nhập.

“Trước đây các mặt hàng ăn chay được ưa chuộng được nhập từ Hongkong, Đài Loan, Thái Lan... nhưng 2 năm trở lại đây, các thương hiệu ăn chay Việt Nam rất được lòng người tiêu dùng, đánh bật hàng ngoại”, ông Nguyên ghi nhận.

Các món ăn chay được trình bày rất bắt mắt.Các món ăn chay được trình bày rất bắt mắt.

Thú vị cơm chay chốn cửa thiền

 Đầu năm, các phật tử hoặc du khách vãn cảnh chùa đều có thể được các sư thầy mời ở lại dùng cơm chay. Cơm chay nhà Phật do chính sư thầy chuẩn bị, mâm 6 người nhưng không khí nhẹ nhàng, thanh tịnh. Sự thảnh thơi, thanh thản chính là cái người ta muốn kiếm tìm trong những ngày đầu năm.

Một số chùa tổ chức ăn chay có tiếng tại Hà Nội như: Phụng Thánh, Tảo Sách, Bồ Đề... Chỉ là bữa cơm đạm bạc với rau dưa, đậu, lạc... nhưng thực khách đều cảm thấy hài lòng, thích thú, bởi không gian tịch mịch, không ồn ào, bụi bặm chốn cửa thiền. Tên món ăn cũng đậm nét văn hoá giáo lý nhà Phật.

Chẳng hạn như món khai vị tri túc, súp tĩnh tâm, súp thập thiện, canh Thập bát La Hán, bánh hỏi nhẫn nhục, cà ri tứ đế, chả ram thiền định, lẩu trí tuệ, cơm chiên bát nhã, chè ngũ giới... màu sắc, bài trí món ăn rất đẹp mắt. Thực khách còn được nghe sư trụ trì hoặc những người trong chùa giải thích ý nghĩa tên của từng món ăn.

Các bà nội trợ cũng có thể tự làm các món chay tại nhà. Chỉ cần “click chuột”, một danh sách thực đơn và cách chế biến các món chay trên các trang mạng đều có. Chế biến món chay không mấy phức tạp nhưng đòi hỏi công phu và sự sáng tạo. Nguyên liệu chay là ngũ cốc, rau quả đơn giản, dễ tìm và bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe.

Đến nhà hàng chay, hay tự nấu các món chay đã trở thành một nét văn hóa, một trào lưu mới trong ẩm thực của nhiều gia đình, cũng là một cách để tịnh tâm trong tháng giêng đầu năm mới.