Kiến tạo từng giá trị cuộc sống
Nhìn vào cuốn Sổ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội của bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Thuận, Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chỉ còn trang cuối cùng còn trắng. Hơn 10 năm vay vốn chính sách, sổ vay đã kín đặc các chương trình từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Riêng chương trình cho vay Học sinh, Sinh viên có tới 3 lần vay cho 3 con học đại học với số tiền lên tới trên 101 triệu đồng.
Hiện không còn là hộ nghèo, song nợ phải trả ngân hàng chính sách chương trình vay Học sinh sinh viên còn 78 triệu đồng, hộ nghèo còn 30 triệu đồng, cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà những năm qua là cả quá trình chật vật. Đấy là còn có vốn vay nuôi con gà, con lợn có đồng ra đồng vào, còn không có nguồn vốn, ông bà cũng chẳng thể tưởng tượng nổi mình sẽ xoay sở thế nào để nuôi được 7 người con chỉ với 7 sào ruộng. Bà Kim khẳng định, nếu không có nguồn vốn vay giúp sức, chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn các cô cũng khó khăn như 3 chị gái trước đó là hết cấp 3 rồi nghỉ học, phụ giúp cha mẹ lo cuộc sống hàng ngày rồi đi lấy chồng.
"Qua cơn bĩ cực", dù chưa tới hồi thái lai, song từ năm 2015 đến nay khi các con ra trường có việc làm, đã giúp bà trả nợ dần ngân hàng, nuôi cô con gái út đang học đại học và sửa sang căn nhà che mưa nắng lúc tuổi già. Con cái dần trưởng thành, gia đình bà cũng đoạn tuyệt cuộc sống nghèo khó.
Có thể thấy, 17 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với hơn 20 chương trình đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Chỉ tính riêng giai đoạn sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới từ 2016 đến nay đã có gần 7,7 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 211.744 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách góp phần giúp trên 1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 745 nghìn lao động, gần 200 nghìn Học sinh, Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 4,6 triệu công trình cung cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trên 105 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo,...
Hứa hẹn những bứt phá mới từ tư duy và cách làm sáng tạo
Song hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách sẽ không chỉ là những con số tăng trưởng tín dụng mà hứa hẹn những bứt phá mới và lan tỏa rộng hơn nữa từ tư duy và cách làm của ngân hàng chính sách, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các cấp và của chính người nghèo.
Đơn cử như vấn đề tạo nguồn vốn cho vay hộ nghèo và tín dụng chính sách giờ đã có sự tham gia tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ủy thác vốn qua ngân hàng để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, hoặc cho vay theo dự án riêng của địa phương. Tính đến 30/9/2019 tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách đạt 14.618 tỷ đồng. Thậm chí, chính quyền cấp xã cũng quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách sách trên địa bàn.
Như xã Bình Thanh Chung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 553/4100 hộ, xã đã phối hợp với diễn viên Minh Luân tổ chức thành công đêm văn nghệ gây quỹ vì người nghèo được 368 triệu đồng. Số quỹ tưởng chừng nhỏ bé này qua 6 năm đã cho vay 42 lượt hộ và đã giúp 26 hộ thoát nghèo, góp phần cùng nguồn vốn khác của Ngân hàng chính sách xã hội đưa tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,5%.
Ngay cả với nguồn vốn của Chính phủ, thì phương thức và cách thức đưa vào đời sống lồng ghép cùng các dự án phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương cũng tạo ra những giá trị cộng hưởng và lan tỏa cao hơn đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp họ có tăng tốc giảm nghèo, tự rút ngắn khoảng cách thu nhập và hội nhập kinh tế giữa các địa phương vùng miền.
Ví như, ở Ninh Thuận, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được tỉnh định hướng cho vay vào các dự án trọng điểm như duy trì phát triển nghề dệt, làm gốm truyền thống đã giúp hộ nghèo từng bước tạo nên các mô hình sản xuất quy mô lớn giải quyết việc làm cho địa phương, góp phần đưa kết nối hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào các chuỗi sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là hướng đi mà ngân hàng cùng các địa phương đang xây dựng để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm tới.
Tuy nhiên, định hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tiến tới thâm nhập các chuỗi giá trị cũng đặt ra bài toán nâng cao bình quân mức vốn cho vay, để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ được vay đúng mà còn vay đủ để cùng Ngân hàng chính sách xã hội kiến tạo cuộc sống mới cho chính mình một cách hiệu quả nhất, sớm hòa cùng công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.