Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV đưa tin, hơn 615.000 người Mỹ đã tử vong do Covid-19 và tới nay mới chỉ có 58,4% người dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ. Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ đã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua, phần lớn do biến chủng Delta và đa số những người dương tính với biến chủng này đều chưa tiêm phòng. Mỹ hiện đã ghi nhận trung bình hơn 120.000 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Florida hiện đang được coi là tâm điểm của các ca mắc mới và nhập viện ở Mỹ. Bang này ghi nhận gần 22.800 ca mắc Covid-19 trong ngày 6/8, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhập viện ở Florida cũng cao kỷ lục khi tăng trong 5 ngày liên tiếp lên mức gần 12.900 trong ngày 6/8. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do biến chủng Delta trong khi mới chỉ có khoảng 50% dân số bang được tiêm phòng đầy đủ.
Theo một khảo sát mới nhất của Axios-Ipsos, hiện có thêm nhiều người Mỹ quan ngại về biến chủng Delta. Khoảng 78% cho biết họ quan ngại về sự lây lan của biến chủng này trong khi số người trả lời “đặc biệt quan ngại” là 50%, tăng 6% so với hồi cuối tháng 6.
Trong khi đó, theo một khảo sát khác của Quỹ gia đình Kaiser hồi tháng 7, 55% số người trả lời tin rằng các biến chủng mới sẽ khiến đại dịch tồi tệ hơn ở khu vực họ sinh sống. 36% cho rằng họ có thể sẽ nhiễm 1 biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Báo Vietnamnet đưa tin, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo sẽ dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế vào ngày 19/7 ngay cả khi số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục gia tăng, ông đã vấp phải một số chỉ trích dữ dội.
Nhưng vào khoảng thời gian mở cửa, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh bắt đầu giảm mạnh. Điều này trái ngược với dự đoán của nhiều chuyên gia.
Ngày 19/7, số ca nhiễm mới gần 40.000 người. Nhưng ngày 4/8, con số này là gần 29.000 người.
Ông Martin McKee, Giáo sư y tế công cộng châu Âu tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói: "Đây là một sự sụt giảm nhanh chóng và ít người lường trước được. Nhìn chung, điều này có một chút gì đó bí ẩn".
"Mặc dù thực sự khó để biết điều gì đã khiến số ca bệnh tăng trước thời điểm 19/7, nhưng dường như liên quan tới giải vô địch bóng đá châu Âu - Euro”, ông McKee đánh giá.
Anh, Scotland và xứ Wales đều có mặt ở Euro và đội tuyển Anh lọt vào chung kết. Từ ngày 11/6 đến ngày 11/7, rất đông người hâm mộ tới cổ vũ cho đội của họ trong các sân vận động và quán rượu - nơi có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh Covid-19. Sự kết thúc của giải đấu có khả năng đã khiến các ca bệnh giảm xuống.
Mùa hè với thời tiết ấm áp và sự lo lắng của nhiều người về việc xóa bỏ giãn cách có thể là các tác động liên quan.
Nhiều người chần chừ chưa muốn chưa trở lại những thói quen trước khi đại dịch xảy ra. Trong một khảo sát có gần 3.800 người tham gia, 60% cho biết họ sẽ tiếp tục tránh nơi đông người. Việc đóng cửa các trường học trong kỳ nghỉ hè cũng có thể giúp giảm bớt các ca nhiễm.
Một số chuyên gia cho rằng Vương quốc Anh đã đạt đến khả năng miễn dịch cộng đồng. Gần 60% dân số được tiêm chủng đầy đủ và nhiều người có miễn dịch sau khi nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, Giáo sư McKee nhận định điều này khó xảy ra. Ông lưu ý rằng các ca bệnh vẫn đang gia tăng ở Israel, nơi mức độ tiêm chủng thậm chí còn cao hơn.
Và những người được tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm, mặc dù giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng.
Tim Spector, Giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King's College London, bày tỏ nghi ngờ về số liệu.
Ông Spector nói: "Sự sụt giảm nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta từng thấy trong các đợt dịch trước đây, ngay cả khi có phong tỏa toàn quốc, khiến tính chính xác của việc thống kê bị nghi ngờ".
Các chuyên gia lo ngại các vấn đề liên quan tới Covid-19 sẽ lại xuất hiện vào mùa thu, khi trẻ em đi học và thời tiết mùa đông ở Anh buộc mọi người phải ở trong nhà.
John Edmunds, Giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, đánh giá: “Tại thời điểm này, tôi nghĩ thực sự khó hiểu chuyện gì đã xảy ra và điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn”.