Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Myanmar phá vỡ sự im lặng truyền thống trong vấn đề Biển Đông

Myanmar đã ra tuyên bố đầu tiên liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài Công ước Luật Biển, mà phần lợi nghiêng về Philippines.

 

Tổng thống Myanmar (phải) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại Naypyidaw, tháng 4/2016.

Tờ Myanmar Times ngày 19/7 cho biết, phá vỡ sự im lặng truyền thống trong vấn đề Biển Đông, Myanmar trong tuyên bố đầu tiên liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài Công ước Luật Biển, đã kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo tờ báo, trong tuyên bố đề ngày 13/7, về phán quyết của Toà trọng tài, Myanmar đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ bản án, Myanmar vẫn luôn gắn bó với nguyên tắc tôn trọng luật pháp, kể cả trong quan hệ đối ngoại.

Thông cáo viết: "Myanmar sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, về Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC)".

Myanmar không phải là nước có yêu sách chủ quyền về Biển Đông, nhưng khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, đã tỏ ra cứng rắn hơn các chủ tịch tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao năm 2014, khối ASEAN đã ra thông cáo cho biết "quan ngại sâu sắc" về sự căng thẳng cao độ của tranh chấp.

Đối với Myanmar, tranh chấp Biển Đông là một vướng mắc nhỏ trong đường hướng riêng của mình, nhằm giữ thăng bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tránh bị cô lập trong ASEAN.

Lâu nay Myanmar chưa hề đi chệch khỏi chủ trương "không can dự vào chuyện nội bộ của nước khác" của ASEAN, cho đến khi ra thông cáo chưa có tiền lệ ngày 13/7 nói trên. Nhà phân tích chính trị U Than Soe Naing nhận định, thông cáo của Myanmar là một trong những phản ứng tích cực nhất trong số các nước ASEAN về phán quyết của Tòa trọng tài.