Đây là con số được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, về "Kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016". Qua tổng hợp nhanh kết quả cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 cho thấy trong những năm gần đây tình hình nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nước ta tiếp tục phát triển toàn diện song còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại thời điểm 1/7/2016, cả nước có 8.978 xã, 79.899 thôn (ấp, bản); giảm 93 xã (giảm 1%) và giảm 1.005 thôn (giảm 1,2%) so thời điểm 01/7/2011. Số lượng xã, thôn trên địa bàn nông thôn giảm đáng kể so với năm 2011 là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 43 xã (giảm 2,2%), 169 thôn (giảm 1,1%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm 40 xã (giảm 1,6%), 955 thôn (giảm 4,5%).
Mạng lưới điện đã được phủ rộng hầu hết khu vực nông thôn
Cả nước có 100% xã có điện (các tỷ lệ tương ứng năm 2006 là 98,9%, năm 2011 là 99,8%); giai đoạn 2006-2016 tỷ lệ thôn có điện tăng từ 92,4% năm 2006 lên 95,6% năm 2011 và đạt 97,8% năm 2016. Trong 6 vùng KT-XH, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt tỷ lệ thấp nhất với 94,5% thôn có điện. Đây là thành tựu lớn của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.
Hệ thống giao thông nông thôn có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng
Đến thời điểm 1/7/2016 cả nước có 8.927 xã có đường ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã (sau đây gọi là đường ô tô đến trụ sở UBND xã), chiếm 99,4% tổng số xã (năm 2011 tỷ lệ này là 98,6%); giao thông nông thôn đảm bảo thường xuyên thông suốt, với 98,9% xã có đường ô tô đến trụ sở UNBD xã đi lại được quanh năm (năm 2011 là 97,2%).
Tỷ lệ xã có đường giao thông từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã được nhựa, bê tông hoá tăng nhanh trong vòng 10 năm qua (từ 70,1% năm 2006 tăng lên 87,4% năm 2011, đến năm 2016 đạt 97%). Hai vùng có tỷ lệ tăng nhanh nhất so với năm 2006 là Trung du và miền núi phía Bắc (từ 45,8% năm 2006 tăng lên 71,0% năm 2011, đến năm 2016 đạt 93,3%) và Tây Nguyên (các tỷ lệ tương ứng của 3 kỳ là 65,6%; 84,0% và 96,7%).
Hệ thống trường học ở khu vực nông thôn được duy trì ổn định
Đến năm 2016, hệ thống trường tiểu học đã cơ bản phủ khắp các xã, cả nước có 99,7% số xã đã có trường tiểu học, chỉ còn 23 xã chưa có trường tiểu học ở 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghệ An có 6 xã, Quảng Nam có 5 xã, Gia Lai có 2 xã, Bắc Kạn có 2 xã, …); năm 2011 con số tương ứng là 51 xã. Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở đạt 92,8% và 13,5% số xã có trường trung học phổ thông (tương ứng năm 2011 lần lượt là 92,9%; 12,8%).
Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các trường mẫu giáo, mầm non đã phát triển theo hướng gia tăng số xã có trường và giảm số thôn có lớp phân tán tại một số vùng. Cả nước đạt tỷ lệ 99,6% số xã có trường mẫu giáo, mầm non, chỉ còn 39 xã chưa có trường mẫu giáo, mầm non (năm 2011 đạt tỷ lệ 96,3%, tương đương còn 339 xã chưa có trường mẫu giáo, mầm non. Trong khi đó, tỷ lệ thôn có lớp mẫu giáo, mầm non chỉ còn 38,2% số thôn (năm 2011 đạt 46,0% số thôn có lớp mẫu giáo, mầm non).
Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hệ thống mạng lưới hỗ trợ sản xuất ở nông thôn được mở rộng.
Đến năm 2016, cả nước có 60,8% số xã có chợ (năm 2011 đạt 57,6%), trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt mức tăng cao nhất với tỷ lệ 72,9% số xã (năm 2011 đạt 64,8%); vùng có tỷ lệ xã có chợ đạt thấp nhất là Tây Nguyên chỉ đạt 37,7%. Mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản cho người dân phát triển nhanh và tăng ở tất cả các vùng trên cả nước; số xã có cơ sở/cửa hàng đạt tỷ lệ 80,5% (năm 2011 đạt 66,5%).
Cả nước có 2.479 xã có mô hình tổ hợp tác hỗ trợ phát triển sản xuất, chiếm 27,6% tổng số xã, trong đó phát triển mạnh ở Đông Nam Bộ (chiếm 61,5% số xã) và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 84,3% số xã).