Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Kế hoạch này được đưa ra khi hiện nay, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Để thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.
Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức. Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.