Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số, trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi, gần 4,8 triệu người cao tuổi là nam, gần 7,7 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn. Ngân sách Nhà nước đã bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng, trong đó, hơn 1,8 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp hằng tháng, hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 12,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế. Các hoạt động truyền thông liên quan đến người cao tuổi đã có những đổi mới tích cực cả về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm, tạo hiệu quả thực chất trong nâng cao nhận thức, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong công tác người cao tuổi. Các địa phương chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người cao tuổi, thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020; kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2020. Điển hình, 12 tỉnh, thành phố nâng mức trợ cấp xã hội, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người cao tuổi như: Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM… Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các cấp hội địa phương trong việc tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa.
Công tác phát huy người cao tuổi tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực từ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đến phong trào khuyến học, khuyến tài, phổ biến tri thức, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình.
Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế để người cao tuổi có thể tham gia vào một số công việc cụ thể phù hợp với người cao tuổi như tham gia quản lý trật tự xã hội trên địa bàn dân cư, gìn giữ vệ sinh môi trường… Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của người cao tuổi trong khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi; đời sống người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao so với tỉ lệ hộ nghèo cả nước; mức trợ cấp xã hội với người cao tuổi còn thấp; cơ sở vật chất tại một số cơ sở còn thiếu thốn, chưa được quan tâm, đầu tư; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi còn nhiều bất cập…
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 13 triệu người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên. Riêng năm 2019 - 2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, tỉ lệ người cao tuổi tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên.
Các ý kiến cho rằng, Nghị quyết 28-NQ/TW là "cuộc cách mạng" đi sâu vào các vấn đề của bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế, tạo nền tảng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững. Trước thực tế còn khoảng hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế, các ý kiến đề xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng địa phương, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng người cao tuổi. Đề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Trần Đình Liệu cho biết, trước mắt, Luật Bảo hiểm xã hội chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội theo từng nhóm. Đối với nhóm người cao tuổi, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm.
"Nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách bảo hiểm cho người dân, đặc biệt người cao tuổi. Mục tiêu đến năm 2021, quyết tâm thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế hết số 5% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo còn lại", Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất. Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam thống nhất, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các chính sách liên quan đến người cao tuổi, gắn chặt với xóa nghèo đa chiều. Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong năm 2021, quyết tâm triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 5% số người cao tuổi thuộc diện nghèo chưa có bảo hiểm y tế (trên 500.000 người), Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ người cao tuổi có điều kiện phát triển sản xất kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Các thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, và vận động nhân dân, nêu cao tinh thần "tương thân, tương ái" hỗ trợ người cao tuổi, nhất là những trường hợp đặc biệt khó khăn. Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, phân loại theo hướng tập trung hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn nhất.