Chợ Viềng (Vụ Bản - Nam Định) chỉ họp 1 phiên duy nhất trong năm là đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng. Cả người mua lẫn người bán đều mang quan niệm "mua may - bán rủi" nên ai cũng muốn đến chợ để mong năm mới gặp nhiều may mắn, thịnh vượng.
Các tuyến đường hướng về chợ Viềng (Nam Định) ùn tắc ngay từ chiều ngày 3/2. Ghi nhận của PV,
thời điểm ùn tắc kéo dài nhất vào khoảng 17 giờ chiều bị ùn ứ đến 7km.
Lối vào và lối ra đối lập nhau, hầu hết những người di chuyển bằng ô tô gặp khó khăn
còn đối với những người di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ di chuyển dễ dàng hơn.
Tại một vị trí khác, biển người lẩn khuất trong hàng dài ô tô nối đuôi nhau hàng km.
Nhiều người cho biết, họ tranh thủ đến chợ Viềng sớm để mua những cây cảnh,
bonsai vì không thể đi chợ ban đêm được.
Nhiều phụ nữ cũng tranh thủ mua những chậu hồng Nhật rồi ra về bởi lo sợ chen chúc vào ban đêm.
Người dân phải mất từ 1-2 giờ đồng hồ mới có thể "bò" qua khu vực diễn ra chợ Viềng.
Một người đàn ông nhanh chân mua được cây lộc vừng với giá 400 ngàn đồng.
Trao đổi với PV, anh Hưng cho biết: "Tối chợ mới diễn ra nhưng gia đình tôi
không thức đến giờ đó được nên tranh thủ đi mua sớm nhưng đông và tắc đường quá".
Tắc đường khiến nhiều người buộc phải gửi xe cách chợ từ 500 - 700 mét rồi đi bộ vào.
Nhiều người di chuyển bằng ô tô cũng đã bỏ ý định chạy xe lại gần sát chợ để gửi.
Thậm chí, do quá ngán với cảnh ùn tắc nhiều thanh niên đã phải tấp xe vào lề ngán ngẩm.
Đến 17 giờ 20 phút đường vẫn ùn tắc kéo dài.
Ô tô không chỉ nối đuôi nhau mà đôi khi phải dậm chân tại chỗ.
Lượng người đông đúc đến mức khiến một số nam thanh niên bị "lạc" mất người thân.
Ô tô tránh nhau sát lề đường, người đi bộ phải di chuyển dưới ta-luy.
Theo quan niệm, phải đến 0h ngày mùng 8 tháng Giêng mới đến giờ giao dịch thiêng nhưng nhiều người đã có mặt tại phiên chợ nổi tiếng của Nam Định này từ chiều tối 3/2 (mùng 7 tháng Giêng).
Chợ Viềng họp chính thức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Chợ đông đúc từ tối mùng 7 Tết đến hết ngày hôm sau. Đặc điểm của phiên chợ này là không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các nơi khác.
Sản phẩm ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi như cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả hay các vật dụng sản xuất của nhà nông. Du khách có thể tìm mua ở chợ Viềng từ cái cày cái cuốc đến đôi quang gánh, thúng hay những thực phẩm cần thiết như gạo, thịt, quần áo, giày dép…
Hội chợ Viềng nằm trong thôn Trung Thành, bao quanh là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thứ kỷ 19.
Các công trình này được xếp hạng là "di tích lịch sử văn hoá". Cụm di tích chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết. Du khách có thể đến dự hội và đi lễ đền cầu may.
Theo Trí Thức Trẻ