
Lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em xã Nghĩa Hải huyện Nghĩa Hưng thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Nam Định năm 2022” do tổ chức Bloomberg tài trợ.
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, ngành LĐ-TB&XH cùng các ban ngành đoàn thể các cấp từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng chống TNTT nói chung phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức (trên Đài PT-TH, Báo Nam Định). Từ năm 2016 đến nay đã cung cấp gần 150.000 tờ rơi, sách mỏng, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền; phối hợp với các ngành chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình, cắm biển cảnh báo an toàn tại các ao hồ, sông ngòi, khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tình trạng đuối nước... Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền đến người dân về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phòng tránh TNTT cho trẻ em. Tổ chức Lễ phát động về bơi an toàn cấp tỉnh; hướng dẫn 100% các địa phương tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em; tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tại các trường học nhằm động viên các em tích cực tập luyện thể thao; tổ chức 3 hội thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng bơi, phòng, chống đuối nước với gần 1.200 trẻ em, cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ tham gia; phối hợp với Sở GD&ĐT phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh thông qua các cuộc họp, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa... Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh TNTT và đuối nước cho học sinh; chỉ đạo các đơn vị khai thác du lịch có ao, hồ, sông, biển đặt biển báo, nguy hiểm đối với trẻ em ở những nơi cần thiết; phối hợp với Sở Y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng chống TNTT trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước trẻ em.

Lớp dạy bơi an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em thị trấn Yên Định huyện Hải Hậu thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Nam Định năm 2022” do tổ chức Bloomberg tài trợ.
Đến 30/6/2023, toàn tỉnh Nam Định có 483.525 trẻ, em chiếm 26% dân số của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Nam Định có 5.515 trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), 247 trẻ em tử vong do TNTT, trong đó có 196 trẻ em tử vong do đuối nước. Số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 số trẻ tử vong do đuối nước là 49 trẻ; năm 2017: 27 trẻ; năm 2018: 29 trẻ; năm 2019: 37 trẻ; năm 2020: 24 trẻ; năm 2021: 18 trẻ; 6 tháng đầu năm 2022:12 trẻ. Nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước thường là do gia đình trẻ sống gần biển, sông, ngòi, ao, hồ - nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Một số ông bà cha mẹ thiếu sự quan tâm, giám sát con cái và trẻ em không biết bơi cũng như xử lý các tình huống khi gặp phải.
Tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Luật Giao thông đường thủy nội địa kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên tuyến đường thủy. Các huyện, thành phố đã kiểm tra điều kiện hoạt động các bến khách ngang sông nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, trẻ em, học sinh tham gia qua lại hàng ngày.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em. Chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát sông, ngòi, ao hồ và cắm hàng ngàn biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực nguy hiểm; phối hợp với các ngành hướng dẫn sử dụng các thiết bị bảo hộ an toàn như áo phao, phao bơi, phao nổi đúng cách, kỹ năng sơ cứu ban đầu, hướng xử lý an toàn khi gặp sự cố đuối nước...
Tỉnh cũng chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ BVCS trẻ em thông qua việc mở các lớp tập huấn cho 2.000 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em trong đó có nội dung “Trẻ em với phòng chống TNTT”, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước để giúp cho trẻ em có khả năng tự bảo vệ mình; tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống TNTT, đuối nước trẻ em cho 478 cán bộ cấp huyện, xã và gần 3.500 cộng tác viên thôn, xóm bằng cách lồng ghép vào các nội dung tập huấn công tác BVCS trẻ em; tổ chức 14 lớp tập huấn với sự tham gia của 1.455 cán bộ quản lý, giáo viên về công tác an ninh, an toàn trường học và phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em, học sinh; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ hộ gia đình nghèo phòng tránh TNTT cho trẻ em; chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống TNTT trẻ em, trong đó có đuối nước. Tổ chức 4 lớp tập huấn cứu hộ đuối nước cho 420 học viên; cử 15 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức; phối hợp với Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức khóa học bơi cứu đuối năm 2022 tại tỉnh Nam Định cho 50 học viên.

Đồng chí Vũ Kim Danh - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Trưởng ban điều phối Dự án phòng chống đuối nước trẻ em tỉnh Nam Định; Đồng chí Lưu Thị Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu trao tặng áo phao cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động chiến dịch phòng chống đuối nước trẻ em tỉnh Nam Định năm 2022.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã xây dựng 43 bể bơi để trẻ em được tham gia tập luyện môn bơi. Các bể bơi đều được trang bị các thiết bị an toàn về điện, phòng cháy, chống trơn trượt. Số trẻ từ 6-16 tuổi được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bởi an toàn đạt tỷ lệ 19% vào năm 2016 và 36% vào năm 2022.
Tỉnh cũng triển khai xây dựng “Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em”, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, các bậc cha mẹ và trẻ em về phòng chống TNTT. Tập huấn kỹ năng cho trẻ em về phòng tránh các TNTT và đuối nước khi các em vui chơi ở những nơi không có người lớn đi kèm.
Năm 2019-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước trẻ em tại 2 xã (Nghĩa Phú và Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng); Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho Ban điều hành và cộng tác viên của 2 xã về phòng chống TNTT, ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em; Tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối cho 100 trẻ em thuộc 2 xã thực hiện mô hình.
Năm 2021-2022, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Nam Định năm 2022” do tổ chức Bloomberg tài trợ tại 6 xã thuộc 2 huyện (Nghĩa Hưng và Hải Hậu), với các hoạt động như phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em với hơn 1.000 người dự; hỗ trợ cải tạo môi trường tại cộng đồng cho các xã dự án; hình thành đội ngũ giảng viên nguồn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em; tiếp nhận và quản lý 1 bể bơi của dự án; tổ chức 36 lớp dạy bơi an toàn phòng chống đuối nước cho 720 trẻ em, đảm bảo trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi biết bơi 25 m trở lên, nổi trong 90 giây; Tổ chức 24 lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 1.200 trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi tại trường học; Tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước trẻ em cho 900 người là người giám hộ/phụ huynh, giáo viên mầm non, cán bộ xã, các gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống đuối nước, hạn chế đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng; Phát 23 lần thông điệp về phòng chống đuối nước trẻ em trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; phát thanh 1.296 lần trên trạm truyền thanh xã, trường học, lắp đặt 03 cụm pano tuyên truyền , 18 biển cảnh báo, cấp phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống đuối nước trẻ em.
Với những hoạt động phòng, chống đuối nước nêu trên, tình hình trẻ em bị đuối nước của tỉnh Nam Định đã được khống chế và giảm dần qua từng năm. Mong rằng thời gian tới đây, công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh và nhân rộng trong cộng đồng để mọi trẻ em của tỉnh đều biết bơi - yếu tố quan trọng để đẩy lùi tai nạn đuối nước ở trẻ em.