Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Năm Sửu nói chuyện Trâu

(Dân sinh) - Trong 12 con giáp, trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân Việt Nam, trở thành biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Câu thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đã cho thấy sự gắn bó và tầm quan trọng của con vật này đối với cuộc sống của cư dân Việt từ ngàn xưa đến nay…

Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.

Những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "tậu trâu cưới vợ, làm nhà…", "ruộng sâu, trâu nái", "chín đụn mười trâu"… đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân. Từ lúc còn bé xíu, các cậu bé, cô bé đã biết chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ, mò cua bắt ốc hay đánh bài tam cúc, đánh thẻ… lớn lên chàng trai, cô gái biết điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, khi về già, sức khỏe suy giảm các cụ ông, cụ bà vẫn tiếp tục thả trâu, chăn nghé giúp con cháu. Và khi qua đời, trên nấm mồ người nông dân cỏ mọc để trâu bò ăn.

Năm Sửu nói chuyện Trâu - Ảnh 1.

Trâu trong tác phẩm của họa sĩ Thành Chương

 Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm: "Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa trổ bông/Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa con người với loài vật hiền lành này được lưu truyền trong dân gian. Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó giữa người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục", trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, chỉ người có sức khỏe, người ta thường nói "khỏe như trâu". Trâu cũng thông minh, "tinh quái", biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí.

Bản tính hiền lành, nhiều khi quá thật thà nên phải chịu thiệt thòi, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Với sức khỏe phi thường "ốm trâu hơn khỏe bò" và cặp sừng lợi hại, trâu là một chiến binh xuất sắc. Câu chuyện "Trâu đoàn kết giết hổ" là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù. Người nông dân Việt Nam tìm thấy trong con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình nhưng thượng võ, bất khuất, kiên cường. Giai thoại dân gian kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng.

 Và như một lẽ tự nhiên, con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Thật khó lòng thống kê hết các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến hình tượng con trâu. Trong ký ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng, bài đồng dao "Ai bảo chăn trâu là khổ?" rồi con trâu trong các bài thơ của các danh nhân: Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh. Giữa cảnh "Gió sắc tựa gươm mài đá núi. Rét như dùi nhọn chích cành cây", người tù vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sự thanh thản, ung dung trong hình ảnh "Trẻ dẫn trâu về, tiếng sáo bay" (Hoàng hôn).Đương thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn không quên đến việc nhắc nhở chăm sóc trâu, bò vốn là tài sản lớn, nguồn sức kéo quan trọng của nông dân ta.

Năm Sửu nói chuyện Trâu - Ảnh 2.

Trâu đàn của nghệ sĩ Lê Đình Nguyên

 Bác viết bài "Cần chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới", để khuyên bà con đề phòng trâu, bò bị rét chết bởi cái lạnh thấu xương, nhất là ở vùng rừng núi phía Bắc. Bài báo của Bác có đoạn: "Việc chăm sóc trâu, bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã. Cán bộ địa phương đều ra sức làm tốt. Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước".

Vậy là, đối với Bác, không có việc nào là nhỏ, nếu như mỗi người, kể cả người chăn trâu, bò, làm tốt công việc của mình, đều góp phần vào sự nghiệp "chống Mỹ, cứu nước".

Nhắc đến nỗi vất vả của người chăn trâu, không thể nào quên tấm gương của Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Ông sinh năm 1929, tại thôn Bình Phước, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 10 tuổi, ông đã phải đi chăn trâu, ở đợ cho địa chủ. Khi cách mạng bùng nổ, ông thoát ly đi bộ đội. Sau Hiệp định Genève (1954), được tập kết ra Bắc.

Năm 1960, Hồ Giáo xin chuyển ngành về Nông trường Ba Vì (Sơn Tây). Dưới bàn tay thuần dưỡng khéo léo cộng với tình thương yêu của ông, số lượng và chất lượng đàn bò sữa ngày càng được nâng cao. Ông đã góp phần làm rạng danh cho Nông trường Ba Vì. Năm 1966, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ Nhất.

Năm Sửu nói chuyện Trâu - Ảnh 3.

Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ tặng Việt Nam 500 con trâu sữa Mura, Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp cử Hồ Giáo vào tỉnh Sông Bé trực tiếp phụ trách chăn nuôi và nhân giống loại trâu sữa này. Từ 500 con trâu ban đầu, dưới bàn tay chăm sóc, thuần dưỡng của ông và một số đồng nghiệp, hàng ngàn con trâu sữa đã ra đời và được nhân giống khắp mọi miền đất nước. Những thành quả lao động đó đã đem lại cho ông danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ Hai vào năm 1986.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, hình ảnh con trâu lại tiếp tục gắn bó với người nông dân trên những cánh đồng: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Con trâu đã cùng với người nông dân chứng kiến những năm tháng đầy khó khăn, vất vả của nền kinh tế đất nước trong những năm 70, 80 thế kỷ XX, khi mà người nông dân phải rơi nước mắt nhìn những cánh đồng bạt ngàn bị bỏ hoang, trong khi bồ lúa không còn một hạt. Vượt qua những khó khăn của bữa ăn bằng bo bo và những chuyện bi hài của một thời bao cấp, người nông dân ngày hôm nay có quyền tự hào khi đã có công đưa một đất nước có thời kỳ phải nhập khẩu lương thực để giải quyết cái ăn, nay đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Và trong thành quả đáng tự hào đó của người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam, luôn có người bạn thủy chung - Trâu.