Mỗi năm, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất hơn 500 tập phim, tương đương từ 12 - 15 bộ phim, có những bộ phim kéo dài cả trăm tập. Những nhà làm phim luôn phải đầu tư, tìm tòi và khai thác những mảng đề tài, cách thể hiện khác nhau để làm phong phú món ăn tinh thần cho khán giả.

Những bộ phim được đầu tư nghiêm túc, bài bản khiến phim truyền hình đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khán giả vào mỗi buổi tối.
Không chỉ đổi mới về nội dung, cách thể hiện, Đài Truyền hình Việt Nam đã nghiên cứu và sắp xếp lại khung giờ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả.
Kể từ thời điểm này, trong một buổi tối, khán giả có thể xem phim từ 20h - 20h45 trên VTV3 và từ 21h - 21h30 trên VTV1. 2 bộ phim được lựa chọn để khai sóng khung giờ mới với 2 phong cách kể chuyện, chủ đề khác biệt hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho khán giả.
Trước đó, VTV đã mở màn giờ phim Việt mới lúc 20h trên VTV3, từ thứ 2 đến 6 hàng tuần. Điểm đặc biệt của phim chiếu trong khung giờ phim này là mỗi tập dài 30 phút. Sau các bộ phim: “Mình yêu nhau bình yên thôi” (108 tập), “Đi giữa trời rực rỡ” (58 tập), “Tuổi trẻ giá bao nhiêu?” (55 tập), “Đi về miền có nắng” thì hiện khung giờ phim này có sự điều chỉnh.
Cụ thể từ tháng 2, mỗi tuần có đến 2 phim phát sóng. 2 phim đầu tiên là “Cha tôi người ở lại” (từ thứ 2 đến 4) và “Những chặng đường bụi bặm” (thứ 5 và 6).
Ở khung 21h trên VTV1, ngay sau phim “Không thời gian” sẽ là bộ phim “Mẹ biển”. Bộ phim đưa người xem đến với vùng biển phía nam với những câu chuyện cảm động, nhân văn về những con người miền biển trước và sau những cơn bão đi qua.
Những ai yêu thích phong cách nhẹ nhàng của đạo diễn Vũ Minh Trí chắc chắn sẽ chờ đợi “Cầu vồng ở phía chân trời” với sự tái hợp của bộ đôi Trọng Lân - Anh Đào.
“20h là một khung giờ khá hấp dẫn và dành cho phổ khán giả rộng. Đây là cách tiếp cận rất tốt, ở chỗ là tiếp cận được nhiều khán giả hơn. Như vậy, trách nhiệm của chúng tôi là phải chuẩn bị lượng nội dung nhiều hơn, phong phú hơn, mang màu sắc mới lạ.
Khung giờ mới được kỳ vọng giúp các bộ phim tiếp cận được đông đảo khán giả hơn, tạo thói quen xem phim vào một khung giờ cố định”, NSƯT Lê Mạnh, quyền Giám đốc Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.
Khai thác đa dạng đề tài cũng là lợi thế của phim truyền hình. Vì thực tế những năm gần đây, dòng phim tâm lý gia đình với những tình tiết kịch tính như đánh ghen, cặp bồ, người thứ ba… cũng được dòng phim truyền hình khai thác như: “Hoa hồng trên ngực trái”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Hương vị tình thân”...
Nhưng khi có quá nhiều nội dung tương tự trên sóng truyền hình thì lại trở nên nhàm chán với khán giả. Ngay sau đó, các nhà sản xuất đã chuyển hướng và thành công với những đề tài bình thường, giản dị, gần gũi trong cuộc sống của người trẻ như: “11 tháng 5 ngày”, “Gara hạnh phúc”, “Đừng làm mẹ cáu”…
Đặc biệt, bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” phát sóng năm 2024 khai thác cuộc sống của cặp đôi Pu - Chải, những cô gái, chàng trai người dân tộc Dao đã thực sự thu hút khán giả…
NSƯT Lê Mạnh cho biết: “Chúng tôi lựa chọn những đề tài dễ tiếp cận với phổ khán giả rất rộng, từ những đề tài truyền thống gia đình, tình yêu, tuổi trẻ, lập nghiệp đến những vấn đề xã hội.
Đồng thời, chúng tôi chuẩn bị thêm những đề tài mang tính đổi mới sáng tạo, đặc biệt dành cho những người làm công tác nghệ thuật như đạo diễn, biên tập... để họ có thêm cảm hứng sáng tạo. Sức hút còn đến từ những giá trị nhân văn gửi gắm trong từng tác phẩm.
Bên cạnh đó, chất lượng phim truyện truyền hình của VTV vẫn tiếp tục được lòng khán giả khi lấy cảm hứng từ quan sát thực tế và tình huống câu chuyện của đại đa số gia đình nhằm tạo nên sự lôi cuốn và hấp dẫn, đa dạng đề tài, khai thác nhiều vấn đề cuộc sống...”.
Minh Vũ
Báo Lao động và Xã hội số 24