Chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham gia của các Vụ chức năng thuộc Ủy ban Dân tộc và Bộ Công Thương, Ban dân tộc các địa phương, diễn giả là các chuyên gia kinh tế, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo của nhiều đại biểu bộ nghành trung ương và các nhà khoa học.
Mục đích của Hội thảo nhằm gợi mở những biện pháp đưa thông tin thị trường đến đồng bào vùng dân tộc miền núi, biên giới một cách nhanh, hiệu quả nhất; tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa các thông tin dự báo thị trường với nhu cầu thực tế của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, từ nhiều năm qua, công tác tìm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam luôn được Bộ Công Thương xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thông tin nhanh chóng về thị trường, giá cả hàng hóa trên khắp vùng miền trên cả nước.
Về thực trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của khu vực dân tộc, biên giới và miền núi trong giai đoạn hội nhập, các diễn giả đã tập trung thảo luận những vấn đề: Theo thống kê, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của nước ta có trên 130 huyện; khoảng 48 triệu dân, chiếm hơn một nửa dân số của cả nước.
Đời sống của nhân dân tại các vùng dân tộc và miền núi nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 3 lần bình quân cả nước. Các dân tộc sinh sống trên khu vực này đều có trình độ phát triển thấp. Đặc biệt, đây là khu vực sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số với những đặc thù văn hóa, kinh tế riêng biệt.
Các đại biểu phát biểu tham luận
Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Trong đó, mảng thông tin hướng dẫn sản xuất, canh tác theo quy hoạch, cảnh báo nguy cơ… dành cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi và biên giới được chú trọng và bước đầu đem lại hiệu quả nhất định. Hơn lúc nào hết, thông tin thị trường cần phải được xem như là một công cụ sản xuất của đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới – đó là công cụ đặc biệt, không chỉ tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng của hàng hóa mà còn đưa được chính sách quản lý của Nhà nước đi vào thực tế nhanh chóng và hiệu quả hơn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân vùng dân tộc, miền núi và biên giới.
Hội thảo đã chỉ rõ những bất cập trong chính sách hỗ trợ canh tác, nuôi trồng và tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản… Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh: trong giai đoạn tới, sẽ hoàn thiện về nội dung chính sách, điều chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế thực hiện chính sách phù hợp hơn với điều kiện thực tế của vùng và người dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả của chính sách, phát huy nội lực, ý thức tự lực tự cường của người dân tộc thiểu số.
Tập trung phát triển các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa, xây dựng một số chuỗi ngành hàng chiến lược phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, trọng tâm là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, nhằm kết nối thị trường cho các sản phẩm được đầu tư phát triển; Tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào vùng dân tộc, miền núi và biên giới tham gia cung cấp dịch vụ công ích, hỗ trợ phát triển sản xuất kết nối với thị trường, ổn định cuộc sống lâu dài.