Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nên dùng thực phẩm thay thế thịt lợn trong cơn bão giá

 
Hiện nay, giá thịt lợn rất cao, thậm chí cao gấp hơn 2 lần so với các loại thực phẩm khác như cá, trứng các loại, thịt gà, đậu đỗ… Người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe. 
 
Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng một số sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa giá lại cao hơn ở các nước công nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, việc lưu thông phân phối của ngành công thương. Đồng thời, thói quen tiêu dùng của người Việt đã làm chi tiêu cho ăn uống tăng lên, thu nhập của người dân thì thấp mà lại phải mua các thực phẩm như thịt lợn, sữa… với giá cao. Trong khi đó, ở một số nước sản xuất ra nhiều  loại thực phẩm này thì giá lại rẻ, thậm chí không bán được (như sữa). Vì vậy, người Việt cần thay đổi thói quen tiêu dùng để thích ứng với giá cả thị trường, cũng như thích ứng với túi tiền của mình để đời sống đỡ khó khăn hơn. 
 
Dưới đây là so sánh về giá trị dinh dưỡng của một số loại thực phẩm, để người tiêu dùng có cách lựa chọn thực phẩm thay thế khiến việc chi tiêu hợp lý cho bữa ăn của gia đình.


Thịt bò, trứng là một trong những thực phẩm giàu đạm. Ảnh: KT
 
Trong 100 gram thực phẩm ăn được, có thể cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:
 
Đậu tương (đậu nành): Năng lượng 418 Kcal, 34,0 gram protein, 18,4 gram mỡ, 165 mg can xi, 690 mg phosphor, 11.0 mg sắt, 3.8 mg kẽm, 4 mg vitamin C, 375 µg folate, vitamin A 3 µg.
Đậu xanh: Năng lượng 346 Kcal, 23.4 gram protein, 2.4 gram mỡ, 64 mg can xi, 377 mg phosphor, 4.8 mg sắt, 1.1 mg kẽm, 4 mg vitamin C, 625 µg folate, vitamin A 3 µg.
Lạc hạt: Năng lượng 583 Kcal, 27.5 gram protein, 44.5 gram mỡ, 68 mg can xi, 420 mg phosphor, 2.2 mg sắt, 1.9 mg kẽm, 240 µg folate, vitamin A 1 µg.
Vừng (đen, trắng): Năng lượng 582 Kcal, 20.1 gram protein, 46.4 gram mỡ, 975 mg can xi, 629 mg phosphor, 14.55 mg sắt, 7.75 mg kẽm, 97 µg folate, vitamin A 1 µg.
Cá diếc: Năng lượng 87 Kcal, 17.7 gram protein, 1.8 gram mỡ, 70 mg can xi, 152 mg phosphor, 0.8 mg sắt, vitamin A 120 µg.
Cá chép: Năng lượng 96 Kcal, 16.0 gram protein, 3.6 gram mỡ, 17 mg can xi, 184 mg phosphor, 0.9 mg sắt, 1.48 mg kẽm, vitamin A 181 µg.
- Thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ: 16.5 gram protein, 21.5 gram mỡ, 9 mg can xi, 178 mg phosphor, 1.5 mg sắt, 1.91 mg kẽm, 285 mg kali, 55 mg natri, vitamin A 10 µg.
- Thịt lợn nạc: 19.0 gram protein, 7 gram mỡ, 7 mg can xi, 190 mg phosphor, 1.5 mg sắt, 2.5 mg kẽm, 341 mg kali, 76 mg natri, vitamin A 2 µg.
- Thịt lợn mỡ: 14.5 gram protein, 37.3 gram mỡ, 8 mg can xi, 156 mg phosphor, 0.4 mg sắt, 1.59 mg kẽm, 318 mg kali, 42 mg natri, vitamin A 2 µg.


Trong các loại cá thì rô đồng là loại cá giàu đạm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: KT
 
Những lưu ý khi chọn thực phẩm giàu đạm
 
- Chọn thịt (lợn, gà, bò…): Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh; Màu sắc bình thường: thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đậm vừa phải (không quá sẫm), thịt trâu màu tím đỏ; Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra; Mỡ lợn màu trắng, dày, bì không có những chấm xuất huyết màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu; Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô; Kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo.
 
- Chọn cá: Cá còn tươi tốt nhất là cá đang sống. Nếu cá vừa mới chết nhưng thân cá co cứng, khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống; Mắt cá trong suốt, nhãn cầu lồi, giác mạc đàn hồi; Miệng ngậm cứng; Mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế không có nhớt và không có mùi hôi; Vây tươi, sáng óng ánh, dính chặt vào thân, không có niêm dịch hoặc có ít niêm dịch trong, không có mùi ươn ôi; Bụng lép, không phình, hậu môn thụt sâu và màu trắng nhạt, nếu cá ươn thì hậu môn màu hồng hay đỏ bầm, lòi ra ngoài, bụng cá phình to; Thịt rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống là cá tươi; Miệng cá tươi ngậm kín, còn cá ươn, ôi thì miệng hé mở.
 
- Chọn mực nên chọn con to, dày mình, trắng trong, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang. Với mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Lưu ý, mực kém tươi là mực đã chuyển sang màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh.
 
- Chọn trứng: Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, acid béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi, cholesterol… Khi chọn trứng nên nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng điện). Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không? có ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không? Trứng soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng; túi khí có đường kính < 1cm, đường bao quanh cố định.
 
- Thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, đồ đông lạnh… cần chọn sản phẩm có thương hiệu, cơ sở sản xuất uy tín, đầy đủ nhãn mác, thành phần dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
 
Người nội trợ nên sử dụng các thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng... Để lựa chọn thực phẩm thay thế phù hợp, người nội trợ cần tham khảo hàm lượng protein có trong 100gr thực phẩm ăn được.
 

 

Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông - Viện Dinh dưỡng Quốc gia)/GĐTE

Tin liên quan