Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nên phát triển thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau hàng loạt vụ cháy nhà trọ, chung cư mini gần đây, để bảo đảm tính mạng người dân trước nguy cơ hỏa hoạn, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề xuất: Cấm nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cho thuê trọ đông người. Tuy nhiên, nếu cấm thì người lao động có thu nhập thấp sẽ ở đâu?

Tiếp theo bài: An toàn cháy nổ trong chung cư mini, nhà trọ: Đã siết mà sao vẫn hổng?

Giấc mơ sở hữu nhà còn xa

Dù hiểm họa cháy nổ vẫn lơ lửng trên đầu nhưng phân khúc nhà chung cư mini, phòng trọ siêu nhỏ ở Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm vì phù hợp túi tiền của người thu nhập thấp đô thị, lại gần trung tâm.

Vợ chồng chị Hằng (quê Thanh Hóa) đang thuê một căn chung cư mini 25m2 trên đường Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân cho 4 người. Tòa nhà này có 9 tầng, dao động từ trên 20 đến dưới 50 m2/phòng. Mỗi tầng có 3 phòng. Chiếc thang máy nhỏ chỉ vừa đủ 2 người lớn, cầu thang lên xuống chỉ đủ chỗ cho 1 người lớn đi.

z4372440714837_c866e500d4deaa64bd64a96dee9e9a50.jpg
Nên phát triển nhà ở xã hội cho thuê theo hướng chuyên nghiệp (Ảnh: Mạnh Dũng).

“Chật chội, bất tiện, tiềm ẩn nguy cơ an toàn cháy nổ nhưng giá tiền thuê phù hợp với những người thu nhập thấp như vợ chồng tôi. Khi chúng tôi chưa đủ điều kiện kinh tế để mua nhà, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, chị Hằng chia sẻ.

Theo thống kê, Hà Nội có hàng chục trường đại học, cao đẳng… với số lượng hàng trăm nghìn sinh viên theo học mỗi năm.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp - chế xuất và khu công nghệ cao với hơn 660 doanh nghiệp, khoảng 165.000 lao động, 80% (tương ứng với 132.000 người) là dân ngoại tỉnh nhập cư (theo số liệu công bố tại cuộc đối thoại giữa công nhân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh hồi tháng 5/2023).

Số liệu năm 2023 cho thấy, 80% lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư do nhà ở xã hội vừa thiếu, vừa khó tiếp cận. Diện tích phòng trọ phổ biến ở mức 12m2, không đảm bảo các điều kiện sống cơ bản. Đó là chưa kể sinh viên ngoại tỉnh đang theo học tại Hà Nội.

Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân Hà Nội ngày càng cao thì giá nhà đất, chung cư tại Hà Nội lại liên tục tăng đều theo từng năm. Theo Savills Việt Nam - Công ty cung cấp dịch vụ bất động sản, giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đã tăng 19 quý liên tiếp.

Hiện, giá căn hộ sơ cấp ghi nhận mức giá bình quân là 59 triệu đồng/m2. Giá căn hộ đã cao, giá nhà đất còn cao gấp bội. Ngay cả giá nhà đất trong ngõ cũng không rẻ. Theo báo cáo của One Housing - Công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, giá nhà đất trong ngõ đạt mức kỷ lục 170 triệu đồng/m2 đối với khu vực trung tâm và khoảng 100 triệu đồng/m2 ở ngoài trung tâm. 

Trong khi đó, theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2023, thu nhập bình quân đầu người cả nước trong năm 2022 đạt khoảng 4,96 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập bình quân/tháng năm 2023 ở khu vực thành thị là 6,26 triệu đồng/tháng.

Như vậy, người dân Hà Nội phải làm việc cật lực hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có thể mua nhà ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Do đó, dù biết nguy hiểm luôn rình rập nhưng các sản phẩm nhà trọ, chung cư mini... là lựa chọn bắt buộc của những người dân chưa có nhà ở cố định.

Vài năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan trung ương đã đẩy mạnh chính sách, đưa ra các chương trình nhà ở khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Theo Chiến lược, chương trình phát triển nhà ở đến 2030, Hà Nội xác định đến 2025 phải hoàn thành 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; đến năm 2030 cần khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Hà Nội đã chủ động dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 400ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các dự án nhà ở xã hội chậm khởi công với nhiều lý do. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có tới 6 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Một số dự án dự kiến bàn giao nhà vào năm 2020 nhưng tới nay sau 4 năm vẫn là bãi đất trống.

Nên quản, không nên cấm

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các đơn vị đã kiểm tra hơn 69.400 công trình, trong đó có gần 30.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (còn được gọi là chung cư mini), hơn 36.100 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Còn Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, TPHCM cũng có khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng khu nhà trọ, với nhiều phòng cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê, với tổng số khoảng 560.200 phòng trọ.

Trong đó, bao gồm 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với hơn 357.200 phòng và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với gần 203.000 phòng góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả những người là trí thức, chuyên viên. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, nhà trọ góp phần quan trọng trong giải quyết chỗ ở cho công nhân, lao động, người nhập cư khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn rất hạn chế.

Vấn đề ở đây là phải quản lý, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Quốc hội đang sửa Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, vì vậy cần đưa ra những quy định xử lý vấn đề này một cách đầy đủ.

Chủ tịch HoREA cho biết, việc kiểm tra, rà soát phải được thực hiện thường xuyên. Đối với những công trình không đảm bảo các điều kiện theo quy định, cho thời hạn cụ thể, nếu không khắc phục được thì kiên quyết cấm kinh doanh.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền bổ sung đối tượng chủ nhà trọ được hưởng “chính sách hỗ trợ về nhà ở khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở” phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, để các chủ nhà trọ nâng cao chất lượng khu nhà trọ ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét quy định mức “thuế khoán” thuế thu nhập cá nhân đối với các chủ nhà trọ bằng 5%/doanh thu.

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, người dân có đất có quyền xây nhà cho thuê nhưng cơ quan quản lý cần siết chặt khâu cấp phép xây dựng nhà trọ, có thiết kế và giám sát chặt chẽ.

Nên áp dụng chi tiết các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini, khu nhà trọ, với những khu đã hiện hữu cần yêu cầu cải tạo, xây dựng thêm lối thoát nạn, lối thoát khẩn cấp. Với những khu nhà trọ xây mới, cần quy định rõ đất xây nhà trọ phải có ngõ vào đủ rộng...

Trước vấn đề này, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng phải đặc biệt quan tâm đến nhà cho thuê trọ, phát triển thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp.

Hiện tại, các cơ quan chức năng nên tập trung toàn lực, xây dựng nhanh 1 triệu căn nhà ở xã hội (theo kế hoạch) để đáp ứng nhu cầu thuê, mua; đồng thời, hoàn thiện các chính sách khuyến khích xây dựng nhà trọ chuyên nghiệp, bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng tốt nhu cầu của người nghèo, công nhân, sinh viên…

"Về lâu dài, chúng ta phải kiên quyết đưa các trường đại học, cơ quan bộ ra khỏi nội đô. Chỉ thế mới có thể kéo giãn dân số, đưa bớt sinh viên đến các ký túc xá, khu nhà trọ chuyên nghiệp được xây dựng ở ngoại thành. Đó là giải pháp hữu hiệu để giảm các khu nhà trọ chật hẹp, dễ xảy ra cháy nổ trong ngõ ngách", ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội số 68