Tại Bệnh viện, qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán: Chấn thương vỡ thành sau khí quản có tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thất, tràn khí ngoài da toàn thân do tai nạn ngã xe đạp. Ngay lập tức, bệnh nhi được hội chẩn và sử dụng phương pháp dẫn lưu khí cạnh khí quản ngay tại Khoa Cấp cứu giúp giảm áp lực khí lên trung thất, màng phổi và toàn thân. Sau 2 tuần điều trị tích cực tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, bệnh nhi tỉnh, không khó thở, thở đều, ăn uống tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, đây là một tai nạn hy hữu gây chấn thương vỡ khí quản nặng. Ca bệnh này được điều trị bằng phương pháp bảo tồn để tránh cho bệnh nhi một cuộc mổ phức tạp và hậu phẫu lâu dài.
Cũng theo bác sĩ Nam, đây cũng là ca vỡ khí quản đầu tiên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang được sử dụng phương pháp dẫn lưu khí liên tục cạnh khí quản vỡ và đạt hiệu quả cứu sống thành công bệnh nhân.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn thận khi cho trẻ tập các phương tiện cơ giới như xe đạp, xe máy… vì những va chạm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Một số lưu ý trước khi tập đi xe đạp cho trẻ em

Mũ bảo hiểm là phụ kiện cần thiết khi trẻ tập đi xe đạp.
Cha mẹ nên lựa chọn khu vực bằng phẳng để trẻ tập đạp xe. Đó có thể là khuôn viên sân nhà hay tại công viên. Những nơi này vừa tạo sự thích thú cho trẻ, vừa có ít chướng ngại vật và phương tiện giao thông, đảm bảo an toàn trong quá trình luyện tập.
Bạn nên chọn xe đạp phù hợp với chiều cao cơ thể của trẻ. Như thế khi tập luyện, trẻ sẽ có cảm giác thoải mái hơn. Việc chọn xe đạp quá cao sẽ khiến trẻ khó giữ thăng bằng hoặc xe đạp quá thấp sẽ gây mỏi chân.
Điều chỉnh yên xe đạp phù hợp với chiều cao của trẻ, để khi tập luyện trẻ có thể duỗi chân thẳng và đặt chân tới mặt đất. Đồng thời, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi di chuyển, hạn chế các tình trạng như mỏi tay, mỏi chân hoặc các bệnh lý khác có liên quan đến xương sống.
Và đừng quên trang bị mũ bảo hiểm xe đạp cho trẻ. Phụ huynh nên chọn một chiếc mũ phù hợp với đầu của trẻ, không quá lớn hay quá nhỏ. Vành trước của mũ đến lông mày của trẻ, không rộng hơn hai ngón tay. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể trang bị thêm găng tay hoặc tấm bảo vệ đầu gối và khuỷu tay để giúp ngăn chặn trầy xước khi trẻ không may té ngã.