Sáng tạo là “chìa khóa” để bứt phá
Thời gian qua đã có rất nhiều phát minh ra đời hay những cách làm mới lạ độc đáo giúp giải quyết công việc nhanh chóng tiết kiệm sức lao động và thời gian. Để làm được điều này rất cần đến sự sáng tạo, sáng tạo chính là chìa khóa giúp chúng ta bứt phá, phát triển để nâng cao trình độ bản thân. Từ đó đạt được những thành tựu trong công việc và học tập.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Phó Trưởng phòng Đào tạo và Công tác Sinh viên, Trường Đại học Hùng Vương, TP.HCM chia sẻ: “Trong xã hội số ngày nay sáng tạo được xem là một kỹ năng và đặc biệt đối với các bạn sinh viên. Trong quá trình học tập tại trường các bạn sẽ luôn có những phương pháp học tập hiệu quả cho bản thân đó chính là sự sáng tạo trong học tập. Ngoài ra trong quá trình giảng dạy thầy cô cũng thường xuyên đưa ra cải tiến thay đổi trong phương pháp học tập và giảng dạy của mình”.
Anh Lý Minh Quân - Giám đốc Kỹ thuật của một Công ty về Công nghệ thông tin tại TP.HCM cho biết bằng sự sáng tạo của mình trong công việc, anh đã giúp công ty và nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng giảm bớt chi phí trong kinh doanh. Đồng thời nâng cao hiệu suất công việc, khi hiện tại anh chỉ mất một ngày để hoàn thành xong một đơn hàng so với trước khi cải tiến anh mất từ hai đến ba ngày.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, Chuyên gia Dự báo nguồn Nhân lực bày tỏ quan điểm: “Hãy nhìn sự sáng tạo bằng một cách bình dị trong nghề nghiệp của mình để chúng ta đem hiệu quả và năng suất lao động cao trong công việc. Sự sáng tạo gắn liền với tri thức và năng lực của nghề nghiệp, gắn liền với trách nhiệm tinh thần lao động và đặc biệt sáng tạo còn góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ hơn”.
“Ngại hỏi” trở ngại của thành công
Các câu hỏi “Có thắc mắc gì không?” “Có vấn đề nào chưa rõ hay không?” thường xuất hiện trong các buổi học và hội họp. Tuy nhiên thay vì mạnh dạn trình bày những thắc mắc thì có không ít người lại chọn cách im lặng cho qua vì mang tâm lý ngại hỏi. Điều này mang lại không ít ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của mỗi người.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thường chọn cách im lặng mặc dù bản thân không hiểu và sợ “quê”. Khi hỏi sếp đôi khi sếp sẽ cảm thấy tôi không có năng lực, còn hỏi đồng nghiệp thì sợ phiền họ, ai cũng có công việc riêng tôi không muốn là gánh nặng của bất kỳ ai ”.
Thạc sĩ Cao Linh Phụng - Chuyên gia Tâm lý bày tỏ quan điểm: “Nếu như bạn ngại hỏi bạn chính là một mẫu người ngại giao tiếp. Bạn tự thu hẹp bản thân và những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện khi xung quanh bạn không có người để chia sẻ, động viên, không có người giải đáp những thắc mắc những vấn đề của chính mình. Những suy nghĩ tiêu cực tích tụ qua từng ngày gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng của cuộc sống. Hỏi là một cách giúp chúng ta biết thêm nhiều thông tin và đôi khi cũng giúp chúng ta củng cố thêm những thông tin mà ta đã biết”.
Chuyên gia nhấn mạnh: “Để khắc phục tâm lý sợ “Hỏi ” trước tiên cần tìm người cho ta cảm nhận rằng họ dễ tính, dễ chia sẻ, là một người có kinh nghiệm. Vì khi hỏi, họ sẽ là người sẵn sàng giải đáp cho chúng ta mà không dành sự phán xét hay mỉa mai chúng ta ít sự hiểu biết. Đây là cách giải quyết trong trường hợp nhẹ, trong khả năng bạn có thể tự xử lý, nếu trong trường hợp nặng hơn bắt buộc bạn cần đến trung tâm trị liệu về tâm lý”.
Cần đặt mục tiêu rõ ràng
Để đạt được thành công trong cuộc sống chắc chắn không thể thiếu việc đặt cho mình những mục tiêu. Thực tế cho thấy kết quả công việc ảnh hưởng rất nhiều bởi mục tiêu đặt ra ban đầu. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau có không ít người vẫn xem nhẹ và không chú trọng vấn đề này. Để thay đổi điều đó chúng ta cần biết cách lựa chọn và đặt ra mục tiêu cho bản thân bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Ông Phạm Nhật Huy - Giám đốc Công ty Ewec, TP.HCM cho biết: “Việc đặt ra mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống rất quan trọng. Bản thân tôi trước đây vì không quan tâm đến mục tiêu dài hạn, ngắn hạn nên mọi công việc điều không được suôn sẻ và luôn bị thất bại”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên - Chuyên gia Tâm lý chia sẻ: “Nên xây dựng mục tiêu của bản thân rõ ràng ngay từ giây phút đầu, vì khi có mục tiêu ban đầu chúng ta sẽ nhìn thấy được đích đến, thấy được những việc chúng ta cần làm và hướng đến mục tiêu chúng ta sẽ đạt được. Hệ quả của việc xác lập mục tiêu không rõ ràng sẽ làm chúng ta mất định hướng trong cuộc sống, không biết bản thân nên làm gì để chất lượng cuộc sống tốt hơn”.