Sau năm 2012, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến nhiều xáo trộn lớn trong so sánh, phân nhóm hiệu quả kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015. Một vài cái tên đã xuất hiện, dự kiến sẽ là những hiện tượng nổi bật của hệ thống năm nay, trên nền níu kéo của nợ xấu và gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Ứng viên BIDV
Sau năm 2012, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến nhiều xáo trộn lớn trong so sánh, phân nhóm hiệu quả kinh doanh. Phần lớn là sa sút, số ít giữ được phong độ ổn định, ít hơn nữa là vài trường hợp bật lên khá mạnh mẽ.
Trong khối ngân hàng thương mại nhà nước, sau giai đoạn bứt phá nhanh từ năm 2011, những bước đi của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có phần chậm đi về tốc độ tạo lãi, nhưng nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức thấp và quy mô vốn chủ sở hữu vẫn dẫn đầu.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại thể hiện sự quá thận trọng ở các mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận tương đối ổn định, trong khi quan điểm tập trung cao cho trích lập dự phòng là khác biệt. Đến cuối tháng 9/2015, đây vẫn là ngân hàng thương mại có nguồn lực chủ động với nợ xấu tốt nhất trong hệ thống.
Riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khối, đặc biệt là về lợi nhuận và quy mô tổng tài sản. Về mặt số liệu báo cáo, đến 9/2015, BIDV đang là một ứng viên cho khả năng tạo hiện tượng năm nay, không riêng khối quốc doanh mà so với cả hệ thống.
Thông cáo 9 tháng 2015 của BIDV vừa công bố cũng đều nhấn mạnh ở vị trí dẫn đầu hệ thống về tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, thu dịch vụ ròng; tổng tài sản đã đạt tới trên 786 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đã đạt 5.535 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 2%...
Những năm gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chưa thể bật lên để đối sánh hiệu quả kinh doanh trong khối, VietinBank đang bước chậm lại, Vietcombank chọn chiến lược thận trọng và dồn lực cho xử lý nợ xấu, thì BIDV đang bứt phá.
Tuy nhiên, như thông tin từ lãnh đạo Vietcombank gợi mở gần đây, đến tháng 9/2015, chính sách trích lập dự phòng cơ bản đã gọn, từ năm 2016 lợi nhuận của họ dự kiến sẽ thực sự thể hiện rõ và tăng trưởng một cách chắc chắn hơn.
Ngoài ra, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi thành viên, đặc biệt là các khoản nợ xấu của các tập đoàn lớn như Vinashin và Vinalines gắn với cơ chế trích lập dự phòng liên quan, sự khác biệt về hiệu quả kinh doanh trong khối ngân hàng thương mại nhà nước chưa hẳn đã phản ánh hết qua các con số họ đưa ra công chúng.
Hiện tượng VPBank
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, phân nhóm hiệu quả kinh doanh những năm gần đây liên tục xáo trộn. Nhóm này gắn với nhiều biến động, chủ yếu gắn với những khó khăn nổi bật trong kinh doanh, rủi ro pháp lý và xáo trộn nội bộ.
Ở top 5 dẫn đầu khối những năm qua, thành viên duy nhất khẳng định sự ổn định và dẫn đầu khá toàn diện vẫn là Ngân hàng Quân đội (MB). Nhưng ở thành viên này chưa tìm thấy được sự tăng trưởng hoặc bứt phá nối tiếp.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đối trọng trực tiếp với MB, đã cho thấy sự trở lại ấn tượng sau sự cố xáo trộn và thay đổi cổ đông lớn vài năm trước. Tuy nhiên, Sacombank bắt đầu phải gánh những khó khăn từ Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), sau thương vụ sáp nhập vừa qua. Họ cũng chủ động trù tính tốc độ lợi nhuận sẽ chậm lại hoặc giảm bớt vài năm tới, do xử lý các vấn đề hậu sáp nhập.
Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang nỗ lực trở lại sau những khó khăn chung và riêng. Nhưng dự kiến trong năm nay cả hai vẫn chưa thể bứt phá mạnh, để trở lại vị thế hiệu quả từng có những năm 2011 trở về trước.
Riêng trường hợp Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBank), kết quả kinh doanh 9 tháng 2015 vừa công bố đã cho thấy sự khác biệt lớn, với những con số công bố, so với diễn biến hệ thống và chính VPBank những năm gần đây.
Theo thông cáo đầu tuần này, lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất của VPBank đã đạt 2.329 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước và đạt 93% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 30/9/2015 đạt 195.004 tỷ đồng, tăng gần 32.000 tỷ đồng (tương đương 19%) so với cuối năm 2014 và hoàn thành 96% kế hoạch năm.
Xét về tốc độ tăng trưởng, 9 tháng 2015, VPBank đang sở hữu những con số ấn tượng nhất, trên cơ sở các thông tin đã công bố. So với chính VPBank, kết quả trên cũng là sự bứt phá rất mạnh so với hai năm thận trọng và nặng gánh với trích lập dự phòng 2013 và 2014.
Điểm được chú ý và có giá trị nền tảng lớn hơn ở ngân hàng này là ở hai chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn thu phí dịch vụ.
Với mặt bằng lãi suất không quá chênh lệch, thậm chí thấp hơn nhiều ngân hàng khác, tăng trưởng huy động vốn của VPBank 9 tháng đầu năm lên tới 22%, vượt kế hoạch cả năm 5%. Trong khi đó, kết quả thu phí của VPBank cũng khá ấn tượng, khi tăng trưởng tới 51%.
Ngoài ra, trong lợi nhuận khá cao của VPBank 9 tháng đầu năm nay còn gắn với kết quả tích cực từ xử lý nợ xấu. Đến 30/9/2015, ngân hàng này đã hoàn thành xử lý 100% số nợ xấu theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước, đáng chú ý là đã xử lý được gần 1.250 tỷ đồng là phần thu bằng tiền do khách hàng trả nợ.
Hai năm trước và cho đến 9 tháng đầu 2015, VPBank đã phải dồn một lượng lớn chi phí trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Điều đó giúp lợi nhuận từ năm nay bớt bị níu kéo. Và không phải ngẫu nhiên Ngân hàng Nhà nước lựa chọn đây là một trong 10 thành viên bắt đầu thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2 từ năm 2016.