Cụ thể, lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm khoảng 2,5% so với cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Ngỡ tưởng với mức lãi suất xuống đáy như hiện nay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, tuy nhiên, trên thực tế, dòng tiền đầu tư để phục hồi sản xuất, kinh doanh vẫn là bài toán đau đầu với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp
Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gửi tới Thủ tướng tháng 1/2024 lo ngại: “Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất”.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn chỉ ở mức 2,34 - mức tiêu cực.
Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, mới đây trong báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) về tình hình hoạt động tháng 2/2024 cũng cho thấy, mặc dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Do đó, HUBA đề xuất, ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…
Chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, nghĩa là doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay.
Về câu chuyện này, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), lãi suất cho vay giảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và chi phí thấp hơn.
Song vấn đề nằm ở chỗ, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp có làm ăn hiệu quả, có đầu ra cho sản xuất và có nhu cầu mở rộng quy mô đầu tư sản xuất hay không, từ đó mới dẫn đến nhu cầu về vay vốn tín dụng.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa “sức khỏe” đang yếu, đau đầu với bài toán sinh tồn và việc tiếp cận với dòng vốn là điều hết sức khó khăn.
“Các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện, tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản”, ông Mạc Quốc Anh bày tỏ.
Ngân hàng thận trọng cho vay để kiểm soát nợ xấu
Theo số liệu của NHNN, tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.
Các ngân hàng cũng thừa nhận, sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào ngân hàng rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank thông tin, tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm.
Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.
“Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn. Nhiều doanh nghiệp bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi và thủ tục vay vốn phức tạp, phiền hà; không thể vay vốn khi thiếu tài sản thế chấp, chứng minh kế hoạch kinh doanh…”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng thư ký VCCI cho hay.
Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất cho vay một cách thực chất, bởi hiện không ít doanh nghiệp vẫn đang vay với lãi suất không thấp hơn mức 10%/năm.
"Các ngân hàng cần cải cách các thủ tục, điều kiện vay vốn một cách hiệu quả hơn, phù hợp thực tế hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Châu Anh