Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngày tốt cúng tất niên và mâm cỗ đơn giản chuẩn phong tục 3 miền

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Theo phong tục, ngày cuối cùng của tháng Chạp, các gia đình làm mâm cúng tất niên để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tiễn năm cũ đón năm mới.

Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và văn hóa phong tục của các vùng miền.

Ngày tốt cúng tất niên và mâm cỗ đơn giản chuẩn phong tục 3 miền - 1
Năm nay là năm thiếu nên các gia đình muộn nhất sẽ cúng tất niên vào ngày 29 Tết (Ảnh minh họa: ITN).

Thời gian cúng tất niên Ất Tỵ 2025

Cúng tất niên có thể làm vào 30 tháng Chạp nếu là năm đủ và 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu. Lễ cúng thường diễn ra vào buổi trưa hoặc chiều tối. Năm nay là năm thiếu nên các gia đình muộn nhất sẽ cúng tất niên vào ngày 29 Tết.

Bởi nhịp sống hiện đại, ngày nay nhiều gia đình có xu hướng làm tất niên sớm hơn, không nhất thiết là vào ngày 30 hay 29 Tết mà có thể tiến hành từ các ngày trước đó.

Chuyên gia gợi ý, khung ngày giờ tốt để làm lễ cúng tất niên tại gia đình hoặc cơ quan mà bạn có thể chọn:

Ngày 26 tháng Chạp (tức 25/1/2025 dương lịch), tức ngày Giáp Ngọ, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp ngày 26 tháng Chạp: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19).

Ngày 29 tháng Chạp (tức 28/1/2025 dương lịch), tức ngày Đinh Dậu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp ngày 29 tháng Chạp: Tý (23-1), Dần (3-5), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Mùi (13-15), Dậu (17-19).

Về cơ bản, cúng tất niên dù vào thời gian nào thì cũng chỉ có ý nghĩa là đón ông Táo, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, thể hiện sự sum họp, đoàn kết, ấm cúng của gia đình. Nhưng tốt nhất bạn nên cúng vào ngày cuối cùng trong năm để đúng với phong tục xưa nay cha ông truyền lại.

Ngày tốt cúng tất niên và mâm cỗ đơn giản chuẩn phong tục 3 miền - 2
Phong tục 3 miền, sẽ có khác nhau chút xíu trong mâm cỗ cúng, nhưng nhìn chung ngày nay, các gia đình tùy điều kiện kinh tế và thời gian để lựa chọn mâm cỗ cúng cho phù hợp (Ảnh minh họa: TNI).

Gợi ý mâm cỗ cúng tất niên ở ba miền

Với cả 3 miền Bắc Trung Nam, lễ cúng tất niên sẽ gồm:

Hương đèn (hoặc nến): Cúng tất niên không thể thiếu hai lễ vật quan trọng này, bởi đó cũng là lễ vật. Nếu không có ánh sáng, chủ nhà có thể sử dụng nến để thay thế. Ngoài ra, gia chủ nên đặt hai ngọn đèn hoặc hai ngọn nến ở hai bên bàn thờ để tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời.

Mâm ngũ quả: Không thể thiếu trong lễ cúng đêm giao thừa. Vì vậy, khi lựa chọn, chủ quán nên chọn những quả tươi, chín đều, đẹp mắt và không bị thối. Đặc biệt không sử dụng trái cây giả để cúng.

Mâm cỗ cúng tất niên miền Bắc

Mâm cỗ cúng tất niên ở miền Bắc thường gồm 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa, có những mâm cỗ phải xếp cao hai ba tầng. Cụ thể, mâm cỗ cúng tất niên truyền thống của người miền Bắc thường bao gồm các món sau:

Thịt gà; thịt lợn; giò, chả quế; đĩa xôi gấc; bánh chưng; hành muối; nem rán; móng giò hầm măng; miến nấu lòng gà; bát mọc nấm thả.

Các gia đình cũng có thể thêm một số món tùy theo khẩu vị như thịt đông, nộm, gà tần...

Mâm cỗ cúng tất niên miền Trung

Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Trung khá đơn giản, không yêu cầu 4 bát, 4 đĩa như miền Bắc nhưng không thể thiếu các món đặc trưng sau: 

Thịt gà; thịt lợn; giò lụa; bánh chưng/bánh tét; đĩa dưa muối; măng khô; miến xào; chả ram.

Mâm cỗ cúng tất niên miền Nam

Miền nam mâm cúng tất niên sẽ gồm: Bánh tét; đĩa củ cải; canh măng nấu (dùng măng tươi); canh khổ qua nhồi thịt; thịt kho tàu; gỏi tôm thịt; thịt lợn luộc; dưa giá; nem, chả giò; củ kiệu.

Ngày tốt cúng tất niên và mâm cỗ đơn giản chuẩn phong tục 3 miền - 3
Văn khấn cúng tất niên chuẩn vẫn được ghi chép lại trong các tài liệu về văn hóa (Ảnh minh họa: ITN).

Không quá câu nệ giờ cúng

Văn khấn cúng tất niên chuẩn vẫn được ghi chép lại trong các tài liệu về văn hóa. Việc có sử dụng văn khấn trong cúng tất niên hay không hoàn toàn tùy thuộc sự lựa chọn của các gia đình, và đến nay, rất nhiều gia đình đã bỏ qua nghi thức này.

Theo các chuyên gia văn hóa, thông thường lễ cúng tất niên sẽ được diễn ra ở bàn thờ gia tiên, Thần linh trong mỗi gia đình. Trước ngày cúng tất niên, các gia đình thường sẽ dọn dẹp, bày biện lại bàn thờ cho sạch sẽ, tươm tất.

Về giờ cúng cũng không cần quá câu nệ. Thường các gia đình sẽ cúng vào chiều 30 Tết, sau đó hạ lễ để cả nhà cùng ăn bữa tối cuối cùng trong năm. Cũng có gia đình cúng trưa hoặc tối muộn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng.

Tin liên quan