Năm 2022, Dự án nâng cấp Quộc lộ 7 từ huyện Diễn Châu đến huyện Đô Lương (Nghệ An) và xử lý sạt trượt đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Theo thiết kế, dự án sẽ mở rộng lòng đường lên 12m, đoạn qua đô thị 20 - 25m. Do lòng đường cũ nhỏ hẹp, lượng xe cộ qua lại nhiều nên dự án rất được người dân mong đợi.
Sau khi hoàn thành nâng cấp, Quốc lộ 7 sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam và kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải thông thương với Lào. Do đó, dự án này mang tính cấp bách.
Tuy nhiên, dù đã trễ hẹn gần nửa năm nhưng dự án vẫn đang thi công dở dang do chưa giải phóng xong mặt bằng. Dự án này bị chủ đầu tư là Bộ GTVT đòi cắt vốn vì không giải phóng được mặt bằng.
Tháng 2 vừa qua, tại cuộc họp với lãnh đạo các huyện có tuyến Quốc lộ 7 chạy qua là Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra “tối hậu thư” cho 3 huyện này phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đoạn qua huyện Diễn Châu hiện còn hơn 3,5km hai bên tuyến đường này chưa giải phóng được mặt bằng. Do mặt bằng được bàn giao không thông suốt nên dự án phải thi công theo kiểu phân khúc, tạo ra các gờ nổi giữa lớp thảm nhựa mới và đường cũ khiến xe qua lại rất nguy hiểm. Trời nắng thì bụi, trời mưa bùn từ hai bên tràn ra mặt đường nhựa gây trơn trượt.
Anh Đậu Đăng Mùi (xã Diễn Phúc) cho biết: “Từ khi đường bị đào bới, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông qua đoạn đường này. Mới đây, một bác khá lớn tuổi chạy xe máy bị ngã chấn thương nặng; trước đó mấy ngày, chị ở xã Diễn Bình cũng ngã xe, đang phải nuôi não ở bệnh viện”.
Tương tự, tại huyện Yên Thành, nhiều đoạn qua các xã Mỹ Thành, Công Thành, Viên Thành vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng do người dân chưa đồng thuận.
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, thời gian qua, huyện đã làm mọi cách, liên tục tiếp cận để giải thích cho người dân bàn giao mặt bằng nhưng một số hộ vẫn chưa đồng tình.
Nhiều hộ trước đây được giao đất trái thẩm quyền, không xác định được tọa độ, hình thửa, nguồn gốc đất. Huyện căn cứ vào hồ sơ đo đạc của Sở TN&MT và diện tích đất đã được cấp “bìa đỏ” để bồi thường nhưng một số hộ dân lại đòi bồi thường diện tích lớn hơn, thậm chí đòi hỏi giá trị hỗ trợ, bồi thường vượt khung quy định của nhà nước.
“Huyện chưa tính đến phương án cưỡng chế và đang tiếp tục giải thích để người dân tự bàn giao mặt bằng”, ông Hiên cho hay.
Một lãnh đạo Ban quản lý Dự án 4 (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án cho biết, Ban quản lý đã nhiều lần đề nghị tỉnh sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng để thi công. Trường hợp người dân vẫn không chịu bàn giao thì thực hiện việc cưỡng chế, bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ của dự án.
Hoàng Tùng
Báo Lao động Xã hội số 68