Chương trình mục tiêu quốc gia GQVL đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh Nghệ An, và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Góp phần đắc lực đảm bảo an sinh xã hội.
Người lao động đến phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An để tìm kiếm việc làm
Những giải pháp tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm.
Theo số liệu thống kê của ngành LĐ- TB&XH Nghệ An, trong vòng 3 năm 2015 - 2018, toàn tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm (GQVL) cho 150.510 lao động đạt 100,47% so với kế hoạch đề án đề ra (kế hoạch đề án 149.800 người), tăng 6.38 % so với cùng kỳ giai đoạn 2010 – 2014 (141.486 người) trong đó xuất khẩu lao động giai đoạn 2015 -2018 là 53.174 lao động đạt 105.40% so với kế hoạch đề ra, tăng 15.4 % so với giai đoạn 2010-2014 (46.060 người).
Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 lao động; trong đó, xuất khẩu lao động hơn 13.000 người, giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh hơn 24 ngàn người góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng, giảm tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp từ 59.50% năm 2015 xuống 51% năm 2018; tăng tỷ lệ lao động ngành công nghiệp, xây dựng từ 22% năm 2015 lên 23,8% năm 2018; tăng tỷ lệ lao động ngành dịch vụ từ 18.5% năm 2015 lên 25,2% năm 2018. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 2,85% đầu năm 2015 xuống còn 2,3% năm 2018 đạt mục tiêu kế hoạch. Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 61% năm 2018. Trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng 48% lên 55.5% năm 2018 vượt mục tiêu kế hoạch (1.96 %) tăng 23.8 so với giai đoạn (2010-2014)
Điểm nổi bật trong 3 năm qua là Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong công tác GQVL, cùng với các chương trình kinh tế trọng điểm gắn việc chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng khai thác, chế biến thủy hải sản; xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông các khu công nghiệp…, góp phần GQVL mới cho hàng ngàn lao động.
Áp dụng mô hình chuyển đổi sinh kế
Giai đoạn 2015-2018, Nghệ An có 6.606 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 28.552 nghìn tỷ đồng, so với giai đoạn 2011- 2014: gấp 1,05 lần về số doanh nghiệp và gấp 1,14 lần về số vốn đăng ký. Trong giai đoạn này nhờ đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế để có nguồn lực phát triển kinh tế, tạo việc làm có thu nhập cao cho lao động của tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng số lượng lao động quy mô lớn đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày... góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong doanh nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp FDI. Hiện tại, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 1.879.000 người, trong đó: số lao động làm trong khối nhà nước 170.950 người, ngoài nhà nước 1.672.829 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 35.221 người. Lao động đang làm việc chia theo các ngành kinh tế là: Ngành nông – lâm – ngư nghiệp là 969.564 người, chiếm 51,6%; công nghiệp – xây dựng là 441.565 người, chiếm 23,5%; dịch vụ, thương mại là 467.871 người, chiếm 24,9%. Nhờ vậy, những mô hình chuyển đổi sinh kế bước đầu thích ứng với tình hình thực tế và đặc thù địa phương, mang lại thu nhập cho bà con; đồng thời GQVL, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và cho gia đình.
Với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có thể tiếp cận được với nguồn lao động và ngược lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm (đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH) cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo, các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối thông tin thị trường lao động. Có thể khẳng định, hoạt động sàn giao dịch việc làm đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương phát triển, thu hút đông đảo các cấp, ngành tham gia và trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc. Đây còn là một trong những căn cứ để các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề nắm bắt sát tình hình cung-cầu lao động trên thị trường nhằm có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tỉnh. Bình quân mỗi phiên giao dịch việc làm thu hút từ 12 đến 35 doanh nghiệp, thu hút hơn 500 người lao động tham gia. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều đợt tư vấn cộng đồng, tổ chức “Ngày hội việc làm” tại các huyện, thị xã, thành phố đã thu hút hàng ngàn lượt người lao động tham gia. Giai đoạn 2015 – 2018 đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho 43,324 lao động, đạt gần 185% so với giai đoạn 2011-2014 (24.207 lao động).
Ông Đoàn Hồng Vũ Giám đốc sở LĐ-TB&XH Nghệ An trao đổi với phóng viên
Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
Trao đổi với PV Báo Lao động và xã hội, Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Giai đoạn 2015 - 2018, kinh tế Nghệ An không ngừng tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 25,79% năm 2015 lên 30,42% năm 2018; khu vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm Trong 3 năm, Nghệ An đã GQVL cho 150.510 người. Trong đó: khu vực công nghiệp – xây dựng tạo việc làm cho 71.200 lao động; khu vực nông - lâm - thủy sản tạo việc làm cho 35.150 lao động và khu vực Dịch vụ tạo việc làm cho 44.160 lao động, GRDP bình quân đầu người tăng khá nhanh: năm 2015 đạt 28,51 triệu đồng, năm 2018 đạt 37,83 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng đều hàng năm. Có được sự phát triển đó là có sự góp phần đắc lực từ GQVL, tạo việc làm, thu hút lao động vào làm việc, tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông - lâm – ngư nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ”
Giai đoạn 2015 – 2018, vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh Nghệ An được Trung ương phân bổ 20.300 triệu đồng. Tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là 195.194 triệu đồng; doanh số cho vay bình quân hàng năm trên 35.000 triệu đồng. Giai đoạn 2015 – 2018, vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo việc làm mới cho 38.390 lao động. Địa bàn cho vay tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng bị thu hồi đất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động.
Nhằm GQVL, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện quyết liệt chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giai đoạn 2015 - 2018, Nghệ An đã đưa được 53.094 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bằng 103,86 % so với giai đoạn 2011-2014, chiếm 35.3% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Trong đó tập trung chủ yếu ở các nước, vùng lãnh thổ như: Malayxia, Đài loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Trung Đông. Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 60.000 người. Số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về giai đoạn 2015 - 2018 khoảng trên 255 triệu USD/năm. Từ nguồn vốn này nhiều gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ đi xuất khẩu lao động.
Người lao động được hướng dẫn tỉ mỉ khi tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Giai đoạn 2015-2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nghệ An đã tuyển sinh, đào tạo cho 301.534 lượt người, trong đó cao đẳng 19.238 người, trung cấp 32.792 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 249.504 lượt người. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 48% năm 2015 lên 55.5 % năm 2018 (trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%). Chất lượng đào tạo thời gian gần đây đã có sự thay đổi và nâng lên khá rõ nét (tỷ lệ HSSV tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt hơn 35%), từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; theo đánh giá của một số doanh nghiệp thì hơn 80% lao động được sử dụng đúng ngành nghề, trình độ đào tạo, hơn 30% lao động có kỹ năng tay nghề khá trở lên đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Các cơ sở đào tạo đã chú trọng và đẩy mạnh hoạt động ký kết với daonh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập, tuyển dụng lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm đạt 93,1%, một số nghề sau đào tạo 100% lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5,5 triệu đồng/tháng như: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, xây dựng, quản trị nhà hàng... Số lao động học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn đạt 75,8%.
Nhờ có những giải pháp mang tính đột phá trong công tác GQVL, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đã góp phần nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm vừa qua.