![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/nCqRCLaXICehQZYqEtFZCtFLB0o=/thumb_w/680/2024/01/31/home-1706689704272.jpg)
Hình ảnh chiếc xe cấp cứu không được tiếp cận tòa nhà để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại tòa nhà Home City 117 Trung Kính. Ảnh Internet
Từ một vụ việc đau lòng đang gây xôn xao dư luận
Sự việc đau lòng xảy ra vào sáng sớm ngày 3/9/2018 - ông D. (50 tuổi, sống trên tầng 25, tòa V2, chung cư Home City thuộc tổ 51, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị đột quỵ. Bà Ng. (vợ ông) cùng người thân gọi xe cấp cứu đưa ông đi bệnh viện. Xe cấp cứu không thể tìm được đường vào lối Nguyễn Chánh nên phải chạy qua lối 177 Trung Kính để tiếp cận tòa nhà. Khi xe cấp cứu đi từ đường Trung Kính vào đến barie gần tòa nhà thì bảo vệ chặn lại. Dù người nhà bệnh nhân ra đón xe và y tá, bác sĩ khẩn cầu nhưng bảo vệ vẫn một mực không cho vào. Chờ đợi lâu, chiếc xe cấp cứu buộc phải quay về. Gia đình tiếp tục gọi xe cấp cứu thứ 2, khi xe đến vẫn phải đi lối cổng Nguyễn Chánh dù đã có một số hàng xóm ở tòa V2 xuống yêu cầu chủ đầu tư can thiệp nhưng vẫn không được.
Cư dân phản ánh, chiếc xe đã bị bảo vệ trực barie (thuộc Công ty bảo vệ SPS) từ chối cho vào tòa nhà với lý do “lối này không đi được”, và “không gọi được cho cấp trên để xin lệnh mở barrier”. Do xe không được vào, nhân viên y tế phảivác bình ôxy chạy bộ vào nhưng đã quá muộn, ông D. đã tử vong.
Sau sự việc đau lòng như thế, đương nhiên những người làm công tác bảo vệ ở đây không thể tránh được búa rìu dư luận. Có người còn mạnh miệng kết luận là bảo vệ đã gián tiếp giết người. Đây là lần thứ 2 sự việc bảo vệ ở đây ngăn xe cứu thương vào chung cư Home City; lần trước xảy ra vào tháng 2/2017.
Sự việc gây bức xúc khiến chính quyền địa phương, chủ đầu tư và đại diện dân cư Home City phải có cuộc gặp gỡ, trao đổi vào ngày 12/9/2018. Tại cuộc trao đổi này, hé lộ vấn đề bảo vệ không mở barrier cho xe cứu thương vào. Lý do thứ nhất: Khi ký hợp đồng mua nhà, người dân ký địa chỉ nhà mình là 177 phố Trung Kính nhưng sau đó lối vào lại là từ đường Nguyễn Chánh. Lối vào chung cư từ 177 Trung Kính được bảo vệ chặt chẽ bằng hai lớp. Hai: Bảo vệ trực ca là người mới đổi vị trí không nắm rõ quy trình vận hành barrier, xử lý tình huống máy móc, Công ty SPS và Ban quản lý đã không huấn luyện kỹ lưỡng quy trình mở barrier cho nhân viên trực (đây là những lý do được đại diện chủ đầu tư đưa ra vì vị này nói đã có việc thống nhất là xe cứu thương, cứu hỏa được quyền đi qua cổng 177 Trung Kính).
Theo diễn giải của chủ đầu tư, việc mở barrier ra vào chung cư theo dõi bằng phần mềm, kết nối chung các cổng. Trong trường hợp này, nhân viên trực không biết có một móc lắp ngay bên dưới dùng để mở nút mở barrier, và thế là sự việc không may mắn đã xảy ra. Người bảo vệ ấy hơn 50 tuổi, do thiếu đào tạo mà ra thế, chứ bác ấy không muốn thế. Người bảo vệ này đã bị cho nghỉ việc, lý do chưa phải liên quan đến cái chết của ông D., mà là vì làm việc cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Hình ảnh lực lượng bảo vệ xấu đi nghiêm trọng sau vụ việc này
Từ xưa đến nay, lực lượng bảo vệ vốn chưa gây được nhiều thiện cảm với dân chúng. Khi họ làm tốt mọi việc, đấy là điều đương nhiên, không mấy ai quan tâm. Nhưng khi có một số người trong số họ làm việc xấu, lập tức dư luận “xông vào” mổ xẻ, “ném đá”. Có nhiều vụ việc như bảo vệ đánh người, bảo vệ thiếu trách nhiệm, bảo vệ trộm cắp, bảo vệ vô lễ… đã được nêu lên. Đến vụ việc chặn xe cứu thương khiến việc cấp cứu không được thực hiện kịp thời, dẫn tới việc người đột quỵ tử vong thì dư luận càng bức xúc đối với lực lượng bảo vệ, hình ảnh của họ xấu đi trông thấy trong mắt người dân.
Theo cách nhìn nhận của nhiều người ở Việt Nam, bảo vệ chỉ là những anh gác cửa, gác cổng, ít học hành, không có chức vụ, địa vị, uy tín gì nhiều. Không chỉ người dân có quan niệm như vậy, mà các cơ quan chức năng cũng có vẻ xem thường công việc này. Cách đây chưa lâu, nghề này không nằm trong danh sách những công việc mà những người trong độ tuổi lao động có thể làm. Một số người làm quản lý, hướng dẫn cho rằng, đây chỉ là công việc làm thêm của những người đàn ông về hưu, làm để có thêm thu nhập và xua đi sự nhàm chán tuổi già; hoặc là công việc tạm thời của những người thất nghiệp.
Trên thực tế, không phải như vậy. Trong xã hội hiện đại, lực lượng bảo vệ là vô cùng cần thiết, họ có mặt ở khắp mọi nơi, tham gia vào những hoạt động quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải có cái nhìn trung thực, khách quan về lực lượng bảo vệ. Sau vụ việc đau lòng xảy ra ở chung cư Home City, những người công tác trong lĩnh vực bảo vệ phải nỗ lực lớn hơn để xã hội hiểu đúng về mình, tạo ra vẻ đẹp của người làm bảo vệ.
![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/sX9hyt28qe8Vk_2anSmb_2y7XJ4=/thumb_w/680/2024/01/31/tap-huan-1706689704275.jpg)
Lực lượng bảo vệ phải được đào tạo chuyên nghiệp và tập huấn bài bản. Ảnh Internet
Cần chuyên nghiệp trong cách làm, rộng mở trong cách nhìn
Từ lâu, bản thân tôi có cái nhìn thiện cảm với những người làm bảo vệ. Điều này có được từ hoàn cảnh cụ thể của tôi. Tôi có một người họ hàng là Đặc công hải quân, Anh hùng Quân đội, Đại tá, từng giữ chức vụ quan trọng trong Binh chủng Hải quân. Khi về hưu, ông đi làm bảo vệ cho một công ty ở Hải Phòng. Có những lần xuống Hải Phòng, tôi đã đến chỗ làm việc của ông. Ông nói với tôi: “Cậu (bố của ông là em của bà nội tôi) cũng suy nghĩ nhiều khi nhận việc này. Đây là công ty của những anh em cựu chiến binh, thương binh. Họ thực sự cần người bảo vệ, cậu đã về hưu nhưng sức khỏe vẫn còn. Kỹ năng và kinh nghiệm của cậu phù hợp cho công việc bảo vệ”. Không chỉ lãnh đạo công ty, mà khách đến giao dịch cũng như người trong vùng rất nể trọng người bảo vệ này.
Hiện nay, quan niệm và cái nhìn về nghề bảo vệ cũng đang thay đổi. Có được điều đó, trước hết là do các công ty đào tạo bảo vệ, vệ sĩ đã hoạt động khá chuyên nghiệp. Lực lượng bảo vệ đã chứng minh được sự cần thiết và tính hiệu quả trong hoạt động của mình. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay sắc áo bảo vệ hiện diện ở khắp nơi. Trường Đại học Vinh (Nghệ An) mới đây đã cho những người bảo vệ thuộc con số thuộc phòng hành chính của nhà trường, hoặc là nghỉ việc, hoặc là chuyển sang làm việc khác để thuê bảo vệ chuyên nghiệp. Theo đánh giá ban đầu, an ninh của trường tốt hơn, đỡ tốn kém hơn.
Nghề bảo vệ là cần thiết nhưng người làm bảo vệ phải hiểu việc và có tâm thì mới tạo dựng được hình ảnh trong sáng, tốt đẹp.
Nghề bảo vệ cần được tôn trọng
Trong cuộc sống, hầu như ngày nào chũng ta cũng tiếp xúc với bảo vệ vì họ có mặt ở khắp nơi. Xã hội cần họ và họ cần được tôn trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan, công ty, bệnh viện, trường học, siêu thị, sân chơi, chung cư… bỏ tiền ra thuê bảo vệ. Có bảo vệ, trước hết là nhiều người có cảm giác yên tâm. Sau đấy, nếu thấy mọi thứ an toàn, thuận lợi, người ta sẽ có cảm giác tin tưởng.
Trong xã hội loài người, mỗi công việc sinh ra đều nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Làm bất cứ việc gì, miễn là không vi phạm pháp luật, đều được xem là lao động chân chính và được coi trọng. Về nguyên tắc, những người bảo vệ làm toàn những việc tốt đẹp để đem lại an toàn cho xã hội, mang lại cho mọi người cuộc sống yên bình. Như vậy, chắc chắn đây là một nghề lao động đàng hoàng nên cần được coi trọng, đặc biệt là trong một xã hội có nhiều sự nhiễu nhương như hiện nay.
Tuy nhiên, để được tôn trọng, trước hết, phụ thuộc vào chính những người làm bảo vệ. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, họ phải có thái độ ứng xử thích hợp. Bảo vệ luôn luôn tiếp xúc với nhiều loại người, vì thế, vui vẻ, lịch sự là điều cần thiết đầu tiên. Tiếp theo là thái độ chu đáo, ân cần, nhã nhặn khi thực hiện công việc. Điều này rất quan trọng và luôn được đánh giá cao.
Khi những người bảo vệ tôn trọng chính mình, làm tốt chức trách và tỏ ra vui vẻ, thân thiện thì bao giờ họ cũng được tôn trọng.
Trọng Đàm
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE