Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu - Người phục dựng nghệ thuật dân ca của đồng bào Bru-Vân Kiều

Dù đã 75 tuổi, ở cái tuổi "thấp thật cổ lại hy" nhưng nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu vẫn miệt mài “truyền lửa” dân ca Bru - Vân Kiều cho bao thế hệ con cháu. Qua những câu hát, điệu múa, cách chơi các loại nhạc cụ, già Tiêu đem đến tình yêu, niềm đam mê cho các bạn trẻ nơi vùng cao huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bằng cả niềm đam mê, trăn trở, góp phần phục dựng và gìn giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Bru – Vân Kiều.

Trong một chuyến đi công tác tỉnh Quảng Bình, chúng tôi lên xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) thăm nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến bản làng nơi miền biên viễn này là tiếng đệm của sáo Khsui, điệu Xa nớt theo men rượu cần được cất lên say đắm lòng người.

Dù đã ở cái tuổi "Thấp thập cổ lai hy" nhưng già Tiêu vẫn miệt mài, thường xuyên truyền dạy các làn điệu dân ca Bru - Vân Kiều cũng như cách sử dụng một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cho con cháu. Hồ Văn Tiêu là người am hiểu nhiều về bản sắc văn hóa cộng đồng người Vân Kiều.

Bằng trí nhớ và vốn hiểu biết, nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu (ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã âm thầm phục dựng và bảo tồn các giá trị nghệ thuật dân ca của người Bru -Vân Kiều. Ngay từ nhỏ, Hồ Văn Tiêu được nuôi dưỡng giữa mạch nguồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Tuổi 20, ông đã thuộc nhiều làn điệu dân ca, biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã nhiệt tình hướng dẫn, truyền thụ âm nhạc dân tộc cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, là người truyền lửa, lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Đến nay, ông là người duy nhất ở 3 xã miền núi huyện Lệ Thủy được công nhận là nghệ nhân dân gian, đã có nhiều đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của cha ông. Chứng kiến văn hóa tổ tiên để lại ngày càng bị mai một, già Tiêu vô cùng lo lắng. Già Tiêu trầm ngâm đầy tâm sự : "Hiện nay con em Bru - Vân Kiều không mấy đứa ham học dân ca tộc người mình. Bản sắc văn hóa, tiếng mẹ đẻ của hắn mà hắn nói không hay. Lo lắm thôi!".

Từng kinh qua nhiều cương vị cán bộ ở xã Kim Thủy, trong đó có 2 nhiệm kì làm Phó Bí thư thường trực và 3 nhiệm kì làm Bí thư Đảng ủy xã, già Tiêu luôn quan tâm đến việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở các bản làng đặc biệt là gìn giữ làn điệu dân ca của Bru – Vân Kiều. Năm 2007, nghỉ hưu theo chế độ, già Tiêu có thêm nhiều thời gian để thực hiện ước nguyện nung nấu bao nhiêu năm. Mà báu vật là chiếc thanh la và sáo Khsui. Già cho biết: "Tôi muốn đưa bản sắc văn hóa truyền thống người Vân Kiều trao lại con cháu để giữ cho mai sau".

Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu miệt mài với việc chỉ dạy cách thổi sáo Khsui cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu miệt mài với việc chỉ dạy cách thổi sáo Khsui cho thế hệ trẻ.

Anh Hồ Văn Cường, Trưởng bản Cồn Cùng cho hay: "Trước đây mình không biết cách sử dụng sáo Khsui, thanh la Prana của dân tộc mình. Nhưng nhờ có già Tiêu hướng dẫn nên mình đã chơi rất tốt và biết hát dân ca của mình nữa. Mình thấy tự hào và vui lắm với nhạc cụ văn hoá truyền thống của dân tộc mình".

Từ xa xưa, sinh sống giữa đại ngàn, khi lên rẫy làm nương hay xuống suối bắt cá, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Chính những giá trị văn hóa truyền thống này đã tạo nên sức mạnh để người Vân Kiều trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, sự xâm lấn của nhiều luồng văn hóa mới đang dần lấn át những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Bru – Vân Kiều. Tiếng sáo Khsui, chiêng Prana, cồng Coang, Moong, đàn Tín tung, kèn Amam, sáo Pi hay tiếng trống ít khi được cất lên. Cả điệu Xiêng oát, Tà oải, Xa nớt, Roai troong ngày một thưa vắng, mai một.

Với lòng nhiệt huyết, già Tiêu đã bền bỉ đến các hộ gia đình vận động bà con không bỏ âm nhạc truyền thống, giảng giải tầm quan trọng của âm nhạc trong tình yêu, hôn nhân cũng như trong các lễ cúng bái của người Vân Kiều. Rời bỏ âm nhạc, rời bỏ các giá trị văn hóa là người Vân Kiều sẽ bị mất gốc, là chối bỏ những tinh hoa truyền thống tổ tiên để lại.

Ông Hồ A Lai, Chủ tịch UBMTTQVN xã Kim Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) cho biết: "Ông Hồ Văn Tiêu có công lớn trong phục hồi lại bản sắc văn hóa của người dân tộc Vân Kiều. Ông am hiểu các điệu hát dân ca, cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống nên ông hay đến các trường học dạy lại cho các cháu học sinh. Ở các bản làng, ông cùng các cấp chính quyền địa phương thường động viên bà con giữ lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

Một tương lai không xa mà nghệ nhân Hồ Văn Tiêu và đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều ở huyện Lệ Thuỷ đang chờ đón đó là sắp tới, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy sẽ được xây dựng thành bản văn hóa kiểu mẫu kết hợp với du lịch khám phá thiên nhiên và trải nghiệm nét văn hóa truyền thống của người Bru - Vân Kiều.

Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ ở 3 xã miền núi Lâm Thủy, Ngân Thủy và Kim Thủy để mời các nghệ nhân đến truyền đạt lại cho các thế hệ con cháu. Già Tiêu là ứng cử viên số một sẽ được mời đến truyền dạy.  

Cuối buổi chiều tà, tiếng sáo Khsui, chiêng Prana, điệu Xiêng oát, Tà oải, Xa nớt, Roai troong đang vang lên từ các ngôi nhà sàn vọng khắp bản Cói Đá như muốn lưu giữ chân những người khách đến thăm bản làng.

Trong suốt cuộc đời của mình, già Tiêu đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của quê hương. Chia tay chúng tôi, già Tiêu vẫn luôn tin rằng hành trình trao truyền văn hóa bản địa của ông sẽ có nhiều thế hệ trẻ tiếp bước giữ gìn tinh hoa văn hóa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã vùng cao tỉnh Quảng Bình.