Nguyễn Văn Vĩnh, sinh 1982 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà nội anh là “Mẹ Việt Nam anh hùng” tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Một tác phẩm khắc gỗ độc đáo của Văn Vĩnh
Nói về anh, mọi người thầm thán phục về một Văn Vĩnh thành đạt, một nhà điêu khắc khiến người ta “tâm phục”. Và điều đó càng có ý nghĩa hơn khi người ta biết xuất phát điểm của anh là “vượt qua gian khổ bước vào trong thương trường”.
Cũng như bao trẻ em lam lũ của vùng quê, phải làm tất cả những công việc phù hợp hay không phù hợp với lứa tuổi của mình. Khi còn nhỏ, Văn Vĩnh phải làm rất nhiều việc, từ chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc, đến xay thóc, giã gạo... Tất cả chỉ để mong sao kiếm thêm miếng ăn, chút tiền trang trải cho việc học hành. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh luôn là học sinh giỏi. Học xong cấp 2, do gánh nặng gia đình, anh phải nghỉ học, chẳng ai tư vấn cho tương lai, anh cũng chẳng nghĩ ngợi học thêm nữa làm gì.
Văn Vĩnh và niềm say mê sáng tạo
Trao đổi với chúng tôi về sự thành công của anh khi đến với nghề điêu khắc, Vĩnh cho rằng muốn thành công, bản thân mình phải thật sự đam mê và có lòng kiên nhẫn, phải có sự thay đổi để mình là chính mình chứ không phải là một ai khác và cơ duyên của anh đến với nghề.
Anh chia sẻ: “Ở quê tôi những ngày mưa bão, cây cối ngã trốc rễ gây thiệt hại về kinh tế nhưng đôi khi lại tạo nên những cái đẹp của nghệ thuật làm tôi mê mẩn. Cả tháng tôi đi gom những gốc, rễ cây dân làng cưa bỏ đem về nhà cứ ngồi nghĩ và đục mài suốt trau chuốt. Sau đó những người yêu nghệ thuật đến mua hàng và đánh giá cao những tác phẩm do tôi làm ra. Có lẽ nói theo tâm linh là cuộc đời ai cũng có số và lá số tử vi của tôi được định sẵn như vậy rồi”.
Dưới bàn tay của Văn Vĩnh gỗ đã có hồn
Năm 2003, Văn Vĩnh tự tin trong tay nghề của mình, anh mở cơ sở điêu khắc tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Với tài năng của mình, anh được mời vào hội viên Hội cây cảnh tại thành phố Hải Phòng. Điểm mạnh của nghệ nhân Văn Vĩnh là làm những tác phẩm cao lớn, dù những gì anh đang có không phải là đều quá lớn của một nhà điêu khắc, Vĩnh nghĩ.
Sau nhiều năm làm nghề, với uy tín cao, anh được một giám đốc doanh nghiệp đến đặt một tác phẩm để đời. Đó là tác phẩm điêu khắc: Ba ông Tam đa đứng trên hòn non bộ với giá 700.000.000 đồng. Tác phẩm độc đáo này hiện đang được trưng bày trên sảnh của Công ty Long Xuyên, Hà Nội. Và cho đến nay anh làm gần 400 tác phẩm ở các tỉnh thành.
Nhưng có lẽ bước ngoặt lớn nhất trong đời của Văn Vĩnh chính là việc anh đưa vợ và 2 con vào Sài Gòn để toàn tâm toàn ý theo đuổi ước mơ của mình. Lúc này anh nhận thấy cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thời gian trôi nhanh hơn và cũng gấp gáp hơn. Để thực hiện tâm nguyện sáng tạo nghệ thuật và đảm bảo cuộc sống cho gia đình, Văn Vĩnh về xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để mở xưởng điêu khắc, cho đến nay đã được gần 4 mùa xuân.
Nghệ nhân Văn Vĩnh ước mơ sau này có ít vốn sẽ trở về nơi chôn nhau cắt rốn để mở lớp dạy cho những cháu bé trong làng có một cái nghề để giữ lại nghệ thuật truyền thống của quê hương mình.