Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Nghệ nhân Quách Thị Đa: Người giữ hồn trong biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng

(Dân sinh) - Trong nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Khi nói đến các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây không thể không nhắc đến nghệ nhân trình diễn cồng chiêng Quách Thị Đa.

Nghệ nhân Quách Thị Đa (SN 1959) ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy - vùng quê có truyền thống về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Bố của bà Quách Thị Đa là cụ Quách Văn Cơ – một trong những người đầu tiên tại Cẩm Thủy khởi xướng và truyền lại những giai điệu, tiết tấu của dàn sắc bùa. Những tiếng cồng, tiếng chiêng đã gắn bó với bà ngay từ thuở ấu thơ khi được theo cha đi biểu diễn và dạy trình diễn cồng chiêng. Cũng từ đó, tiếng cồng, những làn điệu cồng chiêng và các bản nhạc dân tộc đã ghi sâu vào trí nhớ của bà, dần dần thuộc hết các bài cồng, từng giai điệu của các bài trình diễn.

Nghệ nhân Quách Thị Đa: Người giữ hồn trong biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng 
 - Ảnh 1.

Nghệ nhân Quách Thị Đa (trái) cùng học trò biểu diễn

Theo nghệ nhân Quách Thị Đa cho biết, bản thân bà rất yêu thích và thực sự có một niềm đam mê lớn với sắc bùa của đồng bào dân tộc Mường nơi đây qua các lễ hội truyền thống hàng năm vào dịp đầu xuân và những khi có các sự kiện quan trọng của địa phương. Niềm đam mê đó đã thôi thúc bà phải học và trình diễn thành công các bài đánh cồng chiêng. Được cha chỉ dạy tận tình từ những kiến thức về gốc tích của cồng chiêng ở Cẩm Thủy, rồi cách đánh cồng, trình diễn cồng trên sân khấu, tại các lễ hội, bằng tất cả sự đam mê, cố gắng, bà đã trình diễn các bài diễn sắc bùa và tham gia vào hoạt động văn nghệ của làng, của xã, cũng như cùng cha mình tham gia công tác bảo tồn, truyền dạy sắc bùa trên địa bàn.

Từng có thời gian công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cẩm Thủy, nghệ nhân Quách Thị Đa có cơ hội nâng cao kỹ năng trình diễn sắc bùa, được giao lưu biểu diễn cồng chiêng, trống ràm, một nét văn hóa đặc sắc của huyện Cẩm Thủy.

Không chỉ là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của huyện Cẩm Thủy tham gia các tiết mục trình diễn sắc bùa, trống ràm tại các hội thi, hội diễn văn nghệ dân gian, quần chúng, nghệ nhân Quách Thị Đa tiếp tục công việc nghiên cứu, thực hành truyền dạy nghệ thuật trình diễn sắc bùa cho thế trẻ.

Từ sự nỗ lực của mình, đến nay đã có gần 200 học trò được nghệ nhân Quách Thị Đa truyền dạy. Ngoài ra, nghệ nhân Quách Thị Đa còn tham gia truyền dạy kỹ thuật đánh cồng, các bài cồng cho các CLB cồng chiêng của các xã Cẩm Liên, Cẩm Quý... đặc biệt là CLB cồng chiêng Lương Ngọc tại xã Cẩm Lương. Tiếng cồng, tiếng chiêng cùng những điệu múa uyển chuyển, đặc sắc đã góp phần vào sự phát triển du lịch tại Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương.

Cùng với các học trò của mình, đội cồng, chiêng của nghệ nhân Quách Thị Đa còn tích cực luyện tập, tham gia phục vụ bà con nhân dân nhất là vào các ngày lễ tại lễ hội truyền thống của địa phương, các sự kiện lớn, quan trọng của xã, cũng như tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện và đại diện cho huyện đi thi cấp tỉnh…

Chia sẻ trong câu chuyện của mình, nghệ nhân Quách Thị Đa tâm sự: "Những điệu múa, làn điệu dân ca, hát ru hay các nhạc cụ của dân tộc nhiều khi không còn hấp dẫn thế hệ trẻ nữa. Đây chính là căn nguyên sâu xa, khiến những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền. Mong rằng cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa cùng chung sức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống"- nghệ nhân Quách Thị Đa nói.