Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong: Nhân thêm mùa xuân bằng câu ví, giặm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có nhiều nét đặc sắc, độc đáo nhưng ít ca sĩ, nghệ sĩ chọn lựa để gây dựng sự nghiệp.

Mê đắm với ví, giặm, nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Phong là một trong những người đưa ví, giặm vươn ra thế giới. Hàng ngày, anh vẫn không ngừng trao truyền, lan tỏa nghệ thuật ví, giặm. Đặc biệt, trong những chương trình xuân có sự tham gia của anh, không khí xuân sẽ càng trở nên tuyệt diệu bằng giọng hát ngọt ngào, mê đắm.

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong: Nhân thêm mùa xuân bằng câu ví, giặm - 1
Nghệ sĩ Thanh Phong, Trưởng đoàn Nghệ thuật UNESCO dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội trong ngày nhận Bằng khen.

Gặp Phong lần nào cũng thấy anh có các dự định mới. Đặc biệt, ở anh luôn tỏa ra nguồn năng lượng của người đam mê, hết mình vì nghệ thuật. Anh luôn bận bịu với các dự án, chương trình nghệ thuật.

Đặc biệt, nhiều người con xứ Nghệ chia sẻ, tâm huyết của ca sĩ Thanh Phong đã góp phần cho ví, giặm không chỉ sống trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới. Mới đây, ca sĩ Thanh Phong đã vinh dự được Bộ VH-TT&DL tặng bằng khen vì những đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

 Thanh Phong rất xúc động vì là người trẻ nhất trong 5 người được nhận bằng khen đợt này. Anh tự hào khi những đóng góp của mình trong hơn một thập kỷ qua được ghi nhận.

Thanh Phong chia sẻ rất vui vì gần đây trên quê hương có nhiều chương trình, hoạt động đưa ví, giặm gần hơn với người trẻ. "Giới trẻ có xu hướng quay lại với văn hóa cổ truyền, sáng tạo rất hay, thu hút tương tác lớn trên mạng xã hội”, Thanh Phong nói.

Thanh Phong (SN 1992) tại Nghệ An, cái nôi của dân ca Nghệ Tĩnh. Thanh Phong đã bảo vệ luận án thạc sĩ năm 2017, chuyên ngành Phương pháp giảng dạy âm nhạc. Hiện anh là biên tập viên Chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở thế hệ của Phong, các bạn trẻ lúc nhỏ dù yêu thích và có giọng hát dân ca nhưng khi trưởng thành thường chọn cho mình lối đi thời thượng hơn. Chắc hẳn phải có lý do thật đặc biệt khiến Phong trung thành với dân ca đến vậy.

Anh chia sẻ: “Từ nhỏ, những câu ví, lời ru của bà, của mẹ đã ăn sâu trong tôi. Học cấp hai, tôi tham gia Đội nghệ thuật chim xanh của Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức (Nghệ An). Những năm đó, khá nhiều bạn biểu diễn ví, giặm với tôi nhưng lớn lên họ lại lựa chọn lối đi khác và không theo dân ca nữa.

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong: Nhân thêm mùa xuân bằng câu ví, giặm - 2
Lê Thanh Phong  biểu diễn tại Pháp, năm 2023.

Bản thân tôi có lúc cũng nghĩ phải sang ngã rẽ khác dễ dàng hơn, phải đi thi sao mai để nhanh nổi tiếng, nhanh giàu song rồi ngẫm lại, mình vẫn phải trung thành với ví, giặm. Tôi tự đặt lên vai trách nhiệm bảo tồn ví, giặm bởi dân ca ví, giặm có nguy cơ mai một, sẽ không còn được nhiều người biết”. 

Còn nhớ, khi mới đến Hà Nội học tập, làm việc, Thanh Phong đã nhanh chóng tìm hiểu và tích cực tham gia biểu diễn hát xẩm tại không gian chợ đêm Đồng Xuân, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc truyền thống.

Năm 2010, Phong thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm, sau này đổi tên thành Đoàn nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội.

Đoàn đã biểu diễn hàng trăm chương trình lớn, nhỏ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả như: “Xuân qua miền ví, giặm” năm 2018; “Dòng sông chở những câu hò” năm 2019; đặc biệt là vở diễn “Dâng Người câu hát quê hương” dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020…

Tôi hỏi, cơ duyên nào kết nối anh với sân khấu quốc tế trong 6 năm trở lại đây? Phong trả lời: “Với người nghệ sĩ, được biểu diễn đã là hạnh phúc lớn và sẽ vô cùng hạnh phúc khi được “mang chuông đi đánh xứ người”.

Chuyến đi đầu tiên của tôi là tham dự Festival Âm nhạc dân gian thế giới tại Uzbekistan, năm 2017. Tôi đã nhận được sự quan tâm, ưu ái của các nghệ sĩ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ lớn tuổi.

Song tôi cũng nghĩ, các nghệ sĩ đã nhận ra khả năng, nhiệt huyết với dân ca của tôi và muốn mang ra nước ngoài các chương trình chất lượng tốt nhất, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam nhất”.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, các nghệ sĩ đã chọn lựa những người có kinh nghiệm lâu năm. Còn Phong lại mới ra trường, vì thế tự bản thân không tránh khỏi áp lực. Song anh cũng thấy mình đáp ứng được các tiêu chuẩn của đoàn là chọn người tinh, một người phải làm được nhiều việc.

Ngoài nhiệm vụ hát dân ca, Phong còn phải tập để có thể hòa tấu cồng chiêng, gõ trống hát văn. Festival Âm nhạc dân gian thế giới, thực chất là một cuộc thi chứ không chỉ biểu diễn thuần túy. Tuy nhiên, đoàn đã làm rất tốt, 6 thành viên tham dự đều được nhận bằng xuất sắc và một bằng xuất sắc cho cả đoàn.

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong: Nhân thêm mùa xuân bằng câu ví, giặm - 3
Thanh Phong (bên trái) và một tiết mục biểu diễn tại Nhật Bản.

Tại Liên hoan Âm nhạc, Lễ hội thời trang và Văn hóa sông Mê Kông diễn ra tại Vân Nam (Trung Quốc) năm 2019, đoàn của anh được bạn bè các nước cổ vũ và ngợi ca. Năm đó, anh đã biên tập rất tỉ mỉ phần nhạc trên nền trình diễn thời trang áo dài Việt Nam. Khi người mẫu sải bước phần trình diễn áo dài, Thanh Phong hát điệu tứ hoa ví, giặm ngọt ngào đắm say. Nhiều người thưởng lãm đã xúc động rơi nước mắt. 

Ngoài hát, Thanh Phong sáng tác ca khúc, viết lời cho ví, giặm. Phong tâm sự rằng, càng yêu dân ca, anh nhận ra đa số làn điệu ví, giặm được viết đã khá lâu rồi và nếu không có sự thay đổi thì bản thân các tiết mục sẽ rất cũ. Anh đã mày mò tìm cách sáng tạo lời cho nhiều làn điệu ví, giặm để phù hợp tâm tư, suy nghĩ của giới trẻ bây giờ nhận thấy viết lời thật khó.

“Thật may mắn, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được về công tác ở Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, được làm việc bên các nghệ sĩ lớn như nhạc sĩ Dân Huyền, soạn giả Mai Văn Lạng, được trau dồi kiến thức viết lời. Thực tế, không phải thích viết thế nào cũng được mà phải tuân thủ cấu trúc chặt chẽ với hệ thống làn điệu.

Người viết lời phải biết cách gieo vần như thơ, ép từ cho phù hợp thanh âm của làn điệu. “Khúc ca tình bạn” ra đời là kết quả của những nỗ lực đó và được biểu diễn, đón nhận nồng nhiệt, từ đó tạo động lực cho tôi viết các bài: “Tình em câu ví, mùa xuân”, “Những cô gái làng Sen”, “Xe kế trăng vàng”…

Đặc biệt, tôi đã đưa điệu tứ hoa lồng vào một số ca khúc âm hưởng đương đại”, Thanh Phong chia sẻ.

Là người nhanh nhạy với công nghệ, Lê Thanh Phong rất chú trọng tiếp cận khán giả trẻ thông qua nền tảng số. Năm 2014, anh lập fanpage “Dân ca ví, giặm” với các nội dung về lịch sử hình thành, giới thiệu các làn điệu dân ca ví, giặm; các video ca nhạc dân ca xứ Nghệ và ca khúc âm hưởng ví, giặm; giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ và nghệ nhân dân ca xứ Nghệ…

Đến nay, trang thu hút được 100.000 like và 341.000 người theo dõi. Bên cạnh đó, kênh YouTube và Tiktok về dân ca xứ Nghệ của anh cũng thu hút đông khán giả trẻ. 

Cùng với đó, Thanh Phong rất chú trọng truyền tình yêu ví, giặm từ việc mở các lớp dạy dân ca tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam; đưa mô hình dạy hát ra với không gian thực cảnh tại đình Xuân Tảo Sở, Hà Nội…

“Cuộc sống luôn thay đổi nên nghệ thuật phải luôn sáng tạo. Tôi rất thấm thía lời dạy của cố giáo sư Trần Văn Khê: “Đừng nghĩ dân ca chỉ do người già hát, cách đây hàng trăm, hàng chục năm, dân ca là do người trẻ sáng tạo và hát lên”… Do vậy, trong khả năng của mình, tôi luôn cố gắng để vừa làm mới, vừa quảng bá và trao truyền dân ca ví, giặm quê mình”, Thanh Phong bày tỏ.

Vũ Thảo

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan