Rất nhiều tình yêu trong giá lạnh của mùa đông Hà Nội
Giữa tiết trời mưa lạnh của mùa đông Hà Nội, hàng ngàn người lặng lẽ đến Nhà tang lễ quốc gia số 5 - Trần Thánh Tông - Hà Nội để tiễn đưa Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong đoàn người đưa tiễn, có rất nhiều thành phần khác nhau, từ những quan chức cao cấp đến những người bán rau, bán cá ngoài chợ. Họ đến để chia tay lần cuối người đã mang đến cho họ những cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng khi nghe những ca khúc “Làng quan họ quê tôi”, “Đôi mắt đò ngang”, “Khúc hát sông quê”…

Những người đưa tiễn Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hôm nay, ngoài những người sống và làm việc ở Hà Nội ra, còn có những người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn…, nghĩa là người của rất nhiều miền quê khác nhau. Có người thân quen Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhưng cũng có những người chưa gặp ông lần nào. Họ đến vì đơn giản họ đã nghe và yêu những bài hát của ông; nay, ông ra đi nên họ đến để bày tỏ lòng yêu mến, tiếc thương. Trong dòng người đông đúc, lặng lẽ, nghẹn ngào chứa đựng rất nhiều tình yêu dành cho ông.
Nguyễn Trọng Tạo (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947, mất ngày 7 tháng 1 năm 2019) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban biên tập tạp chí Thơ thuộc Báo Văn nghệ, (Hội Nhà văn Việt Nam, 2003-2004) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát "Làng Quan Họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Đôi mắt đò ngang", tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.
Sự tiếc thương còn kéo dài và cụ thể…
Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một người đa tài. Ông sáng tác bài thơ đầu tiên từ năm 14 tuổi. Cũng ngay từ những ngày còn là học sinh, ông tự “chế tạo” đàn violon và tự mày mò chơi nhạc. Ông còn có tài hội họa, vẽ tranh và làm rất nhiều bìa sách. Vì vậy, nhiều người vẫn không biết gọi ông thế nào cho xứng đáng với tài danh của ông? Ông là Nhà thơ, Nhạc sĩ, Họa sĩ hay còn là “Nhà gì” nữa? Sinh thời ông hóm hỉnh đề nghị mọi người gọi mình là “Nhà quê” vì ông sinh ra, lớn lên, gắn bó với làng quê Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An.
Nhiều người biết tới ông với tư cách là Nhạc sĩ nhưng đóng góp lớn nhất của ông cho nền nghệ thuật Việt Nam là thơ. Ông dành nhiều thời gian, tâm huyết cho thơ và thơ của ông mang hơi thở thời đại, giàu chất trí tuệ và nhân văn; thơ của ông ẩn chứa sức mạnh lớn lao.
Chính vì thế, khi linh cữu của ông rời nhà tang lễ, một bộ phận lớn theo ông xuống nghĩa trang, số còn lại chia thành nhiều nhóm nhỏ. Họ chưa về nhà, mà tìm những góc ấm cúng của Hà Nội để tiếp tục chia sẻ những kỷ niệm về ông, lặng lẽ đọc lại thơ ông, khe khẽ hát những ca khúc của ông. Một nhóm các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu quyết định sẽ làm thêm những điều gì đó cho Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ở Nghệ An, ở Huế trong thời gian tới. Rồi chuyện in đầy đủ tuyển tập của ông cũng là điều cần thiết.
Tình yêu vốn trừu tượng, vô hình nhưng cũng có khi rất cụ thể. Với Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, quả là như thế.
Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Cho đến năm 2008 ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 với tập thơ Đồng dao cho người lớn và trường ca Con đường của những vì sao.
Hồ Trọng Đàm/GĐTE