Một tháng nay, những hộ gia đình trong ngách 113, ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, Hà Nội, luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng vì đây được coi là "ổ dịch" sốt xuất huyết của cả tổ dân phố 5E. Ngách nhỏ có gần hai chục hộ sống ở đây từ nhiều năm. Đường đi khá chật hẹp, nhiều nhà có cây cối rậm rạp, khá ẩm thấp. Hầu như nhà nào cũng có người dính bệnh, nhà đông nhất có tới 3 người, đều nhập Viện Quân y 354 ở gần đó.
Trong căn nhà cuối ngõ, chị Tâm, 42 tuổi, vừa tháo bịch ny lông đựng đầy thuốc bỏ ra ghế vừa thở hắt từng tiếng nặng nề. Chị là người thứ ba trong nhà bị sốt xuất huyết, sau chị dâu và đứa cháu. Xuất viện cách đây một tuần nhưng những triệu chứng mệt mỏi vẫn đeo bám.
"Lúc nào tôi cũng thấy người lâng lâng, cảm giác như thiếu máu lên não. Sáng nay khi tráng bánh cuốn cho khách, tôi tối sầm mặt mũi, không thể làm được đành dọn hàng về", chị Tâm chia sẻ.
Nghe con gái luôn miệng nói "mệt lắm", bố chị, đang nằm dài trên chiếc ghế ở góc nhà liên tục la: "Đến chiều đi khám ngay đi. Không liều được đâu con ạ". Chiều nay, chị Tâm tính sẽ vào bệnh viện khám lại.
Trong con ngách nhỏ 113 trên đường Hoàng Hoa Thám này, hầu như nhà nào cũng có người bị sốt xuất huyết.
Cả tháng nay, câu chuyện quanh quán nước đầu ngõ chỉ là "nhà chị Hương có 3 người bị rồi đấy"; "nhà chị Thúy cũng mới có người sốt xuất huyết, vừa đi viện xong"... Không khí căng thẳng bao trùm từng ngách nhỏ, nỗi sợ tiếp theo sẽ là ai mắc, dù nhà nào cũng đã được phun thuốc phòng dịch 3 tới 4 lần.
Ông Cường, người dân trong ngõ 189, nói chưa có năm nào người dân trong tổ bị sốt xuất huyết nhiều đến thế, cứ cách ngày lại thấy có người phải đi viện. Nhà ông cũng có người vừa xuất viện vài ngày, sau gần chục hôm nằm bệnh viện.
Anh Đạt, 27 tuổi, đang thuê trọ cùng trong ngõ này, đã nằm viện đến ngày thứ 12. Những cơn sốt triền miên khiến chàng trai khỏe mạnh nằm bẹp trên giường bệnh, chẳng thiết ăn uống gì. Anh nói mình không bị phát những vệt đỏ ra bên ngoài, nhưng đang bị đi ngoài, chưa biết khi nào được ra viện.
Đạt kể khi vừa mới làm thủ tục nhập viện, nói ở Hoàng Hoa Thám, các bác sĩ đã nói ngay "Lại ở ngõ 189 à".
"Cả xóm trọ của tôi có khoảng 10 người, thì có tới 6 người bị sốt xuất huyết. Chưa bao giờ tôi cảm thấy người lả đi và mệt mỏi thế này", anh Đạt nói.
Nhiều người dân ở ngõ 189 Hoàng Hoa Thám điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Quân y 354.
Bà Hoàng Thị Kim Xuyến, tổ trưởng tổ 5E cho biết, đây là năm bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh nhất ở khu phố mình. Bà cho biết những người bị bệnh đầu tiên khoảng hơn một tháng trước, ở khu vực Núi Cung. Đây là một khu dự án treo, đã tồn tại cả chục năm, hiện có nhiều người lao động từ các tỉnh khác đến thuê trọ và lập lều, trại buôn bán. Không gian ẩm thấp, cây rậm rạp, người đông đúc, tạo điều kiện cho dịch phát triển nhanh và mạnh.
"Những người bị sốt xuất huyết đầu tiên đều là lao động đến từ nơi khác, chưa khai báo tạm trú nên chúng tôi chỉ biết bệnh tình của họ khi được bệnh viện thông báo về. Ngách 113 là khu vực bao quanh diềm núi, nên dịch nhanh chóng lan xuống các hộ gia đình ở đây", ông Vinh, tổ phó tổ 5E nói.
Ngay khi phát hiện ra dịch, chính quyền đã tiến hành phun thuốc tới khắp các hộ gia đình 3-4 lần, riêng khu vực Núi Cung được phun tới 6 lần. Mỗi hộ đều được tuyên truyền về cách phòng chống và khuyến cáo đến bệnh viện kiểm tra khi có dấu hiệu bị sốt. Ông Vinh cho biết, người dân đã đỡ hoang mang và lo lắng hơn trước, tình trạng người nhập viện cũng giảm đi.
Bà Ánh Hồng, bán tạp hóa đầu ngõ 113, chia sẻ nhà bà không có ai bị sốt xuất huyết dù bao năm nay trong nhà luôn có nhiều đồ đạc. Bí quyết của bà là mua các bình thuốc xịt muỗi, thường xuyên thay đổi mùi hương, để muỗi không thể sống trong nhà.
Theo Phan Dương - Tuệ Minh/Vnexpress