Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngoài kia, trời rất xanh!

 
Khi bạn được “thụ hưởng” bệnh án với kết luận bị K là lúc bạn và người thân cần chuẩn bị cho một cuộc sống khác, thậm chí chính bạn phải làm quen lại với “con người mới”. Ung thư ấy, nó làm thay đổi cuộc sống của hầu hết mọi người, đến nỗi bạn thảng thốt không dám nhìn mình trong gương. Kìa ai đó đã bị đoạn nhũ làm mất đi sự thiêng liêng tính nữ, kìa sao cái đầu trọc lóc, làn da khô mỏng, nhăn nhúm… Làm quen với người lạ dễ hơn nhiều so với việc làm quen với chính mình khi vẫn là mình mà thực không còn là mình nữa. Ung thư ấy, là hành trình ấy không ngắn, ít cũng vài tháng với vô số trải nghiệm khó chịu từ những cơn đau mà không còn mức độ nào mô tả, tới những cơn nôn thốc tháo không kiểm soát nổi. Còn có cả những thay đổi tế nhị âm thầm xen vào cuộc sống lứa đôi của bạn; với những người hiểu rõ “tình dục không phải chuyện nhỏ” thì những thay đổi ấy dữ dội như sóng ngầm. Ung thư ấy, khiến người ta hoặc cảm nhận được số ngày còn lại của mình hoặc tự kỷ ám thị rằng đã ung thư thì không còn dài.
 
Thế nên, ung thư vẫn là tin sét đánh với hầu hết chúng ta! Tác giả Cúc Phương sau khi đã trải nghiệm cuộc sống khác do ung thư, đã viết trong “Ngoài kia trời rất xanh” rằng: “Tôi cam đoan rằng cho dù người mạnh mẽ, siêu nhân đến đâu, ngay cả khi nói ‘chỉ là ung thư thôi mà’ thì thẳm sâu trong đó cũng hàm chứa sự run rẩy”. 
 
Nhưng sau những phút chếnh choáng, bạn có thể “thu xếp” cuộc sống của mình thế nào là do tâm lý đối diện với thực trạng ung thư của mỗi người. Và với tác giả Trần Thị Cúc Phương, chị đã nói: “Cho dù thực ra đôi khi đôi chân ta đang cảm thấy rã rời. Nhưng không sao, hãy gác nó cao lên một chút và nhìn qua cửa sổ. Bởi vì ngoài kia trời rất xanh”. Còn nếu bạn chán nản cứ nhìn vào bức tường thì làm sao bạn biết ngoài kia nắng lên rất đẹp! 
 
Tác giả Trần Thị Cúc Phương đã trải qua 4 năm với 5 lần phẫu thuật vì ung thư, từ phẫu thuật tử cung, buồng trứng, đoạn nhũ trái, đoạn nhũ phải. Chị cũng đã theo điều trị cả bác sĩ Việt Nam, bác sĩ Mỹ, Pháp, Singapore… Như một chia sẻ kinh nghiệm, chị viết: “Mỗi chúng ta có mặt trên cõi đời là một bản gốc, không hoàn toàn giống ai. Vì vậy, có những thứ tốt với người này chưa hẳn đã tốt với người khác…”. Khi đối diện với ung thư, nhiều người thường nghe theo lời mách, ai mách gì cũng theo khiến khánh kiệt tài sản mà bệnh càng trở nặng. Hãy lắng nghe cơ thể mình, hãy hiểu mình và hãy trao đổi điều đó với bác sĩ để vận dụng phương pháp khoa học chung với tính cá thể của mỗi bệnh nhân để mang lại hiệu quả tốt nhất. 
 
Hành trình chiến đấu với ung thư không hễ dễ dàng: “…Để chiến thắng số phận, bạn cần có người thân ở bên để chăm sóc và lắng nghe. Thực ra thử thách lớn nhất trong cuộc chiến đó không nằm ở bệnh nhân hay bác sĩ mà ở chính người thân của họ”. 
 
Bởi vậy, cuốn sách này không chỉ dành cho người đang chiến đấu với ung thư mà cho bất cứ ai trong chúng ta. Đọc để hiểu hơn về cuộc chiến chống ung thư, để biết chia sẻ với người bệnh, sự chia sẻ của bạn đóng góp rất quan trọng tới kết quả điều trị. Bạn có biết sự bị động, thái độ cư xử của bạn có khi còn rút ngắn thời gian sống của người thân hơn chính sự hành hạ của tế bào ung thư?
 
Đọc “Ngoài kia trời rất xanh” còn để cảm những câu chuyện đời trong trẻo tạo nên những rung động li ti nhưng có thể làm chúng ta tốt lên. Bởi đó là những câu chuyện được viết ra từ một người phụ nữ tinh tế, sâu sắc, vào lúc chị sắp đi qua cuộc đời. 

Tạ Hà Như Bình/GĐ&TE

Tin liên quan