Bà N.T.L. (Hà Nội) - khách hàng bị mất tiền tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) mới đây cho biết, số tiền hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản mở tại ngân hàng trên bỗng dưng biến mất. Bà N.T.L. gửi tiền vào MSB từ ngày 30/3/2021.
Đến ngày 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58,65 tỷ đồng. Đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.

Vụ việc chưa hết ồn ào thì lại thêm một khách hàng của ngân hàng trên phản ánh cũng bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng. Theo đó, bà V.T.K.O. gửi tổng cộng 31,7 tỷ đồng vào ngân hàng MSB. Sau một số lần giao dịch, số dư trong tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 còn 27,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. đến ngân hàng MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở đến nay thì phát hiện trong tài khoản chỉ còn 46.328 đồng. Cả bà L. và bà O. đều cho biết, sao kê tài khoản hiển thị rất nhiều các giao dịch chuyển, rút tiền không phải do họ yêu cầu/thực hiện.
Trước đó, ngày 18/11/2023, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dương Quang Mẫn (35 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, từ năm 2018 đến tháng 9/2021, Mẫn là chuyên viên bộ phận tín dụng tại một ngân hàng ở phường 14, quận Tân Bình, được phân công giải quyết hồ sơ tín dụng của ông T.A.L., Mẫn đã lợi dụng vị trí, nhiệm vụ của mình tự lập và giả chữ ký, chữ viết họ tên ông T.A.L. đề nghị giải ngân, chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng…
Trước những vụ việc trên, nhiều khách hàng gửi tiền trong ngân hàng tỏ ra lo lắng, liệu tiền gửi ở ngân hàng có thật sự an toàn? Khách hàng cần làm gì để tiền gửi ngân hàng không bị "bốc hơi"…?
Luật sư Trương Anh Tú (Công ty luật TAT Law Firm) cho rằng, việc gửi tiền vào ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phải được hiểu là một hợp đồng cho vay tài sản.
Do đó, khi tiền được gửi vào ngân hàng, ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó. Trong pháp luật dân sự, tiền có một đặc điểm đó là khi chuyển giao tiền luôn đi kèm với việc chuyển giao quyền sở hữu, do đó, bên bị thiệt hại trong trường hợp này phải là ngân hàng.
"Trong tình huống này, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng mà không cần thông qua tòa án", luật sư Tú nhấn mạnh; đồng thời đưa ra khuyến cáo, trước hết, khách hàng cần giữ bình tĩnh và thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch với ngân hàng.
Tiếp theo, khách hàng nên thu thập chứng cứ để khởi kiện vụ án dân sự, đòi lại số tiền từ ngân hàng. Vì quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng thường được xem xét như một giao dịch dân sự về việc nhận tiền gửi.
"Cần phải phân biệt rõ ràng hai quan hệ pháp lý: Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng, đó sẽ là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ đó trước pháp luật. Điều này độc lập với quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền”.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, đối với những người dân định thực hiện thủ tục gửi tiền tại ngân hàng, nên tránh giao dịch ngoài trụ sở mà nên đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Trong quá trình nộp tiền, khách hàng cần chú ý ghi đầy đủ thông tin và số liệu vào tài liệu, chỉ nhận lại chứng từ khi có chữ ký của nhân viên giao dịch và dấu xác nhận của ngân hàng. Ngoài ra, người dân nên chọn ngân hàng uy tín trong hệ thống và tránh những tiền lệ thất thoát tiền gửi.
Đối với khách hàng đã có tiền gửi tại ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tăng cường ý thức về an ninh và bảo mật thông tin, tuân thủ quy trình giao dịch với ngân hàng. Khách hàng tránh truy cập đường link không rõ nguồn gốc có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản, nên đăng ký biến động số dư qua tin nhắn SMS, kiểm tra thường xuyên số dư tài khoản...
Để đảm bảo việc gửi tiền được an toàn ở các ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Anh khuyến cáo, khách hàng nên chia nhỏ số tiền cần gửi. Chẳng hạn, bạn dự định gửi tiết kiệm ngân hàng 500 triệu đồng, thay vì gửi chung vào một sổ/tài khoản tiết kiệm, hãy chia nhỏ thành 2-3 sổ.
Điều này giúp bạn không bị mất nhiều tiền lãi khi có việc gấp cần rút tiền, thay vì phải rút cả sổ tiết kiệm với số tiền lớn, bạn chỉ cần rút từng sổ tiết kiệm nhỏ. Đặc biệt, việc gửi một số tiền lớn tập trung vào một tài khoản cũng gặp nhiều rủi ro trong trường hợp đối tượng tội phạm, hacker tấn công vào hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra cảnh báo người gửi tiền cần phải đăng ký dịch vụ SMS (gửi tin nhắn về số điện thoại) hoặc sử dụng app banking để theo dõi biến động số dư tài khoản mỗi khi có giao dịch để đảm bảo theo dõi được số dư trong tài khoản ngân hàng.
Phương Anh