Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện

Vào mùa khô hạn, nguồn nước tại hồ thủy điện Rào Quán “chạm đáy”, nhưng hàng chục hộ dân tại vùng núi xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vẫn bám nghề đánh cá, kiếm kế sinh nhai.

Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng việc đánh cá, bắt tôm trên hồ Rào Quán đã trở thành cái nghề gắn bó với người dân nơi đây suốt hàng chục năm nay, mang đến miếng cơm, manh áo cho bà con và nguồn thu cho con đi học.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 1.

Mực nước hồ Rào Quán ngày càng xuống thấp.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 2.

Việc đánh bắt cá vào mùa này càng trở nên khó khăn.

Mùa khô năm nay, mực nước tại hồ thủy điện Rào Quán xuống mức kỷ lục, khiến cho việc mưu sinh của người dân địa phương trở nên chật vật. Trước đây, khi nước trong hồ còn dâng cao, mỗi ngày đánh bắt trên lòng hồ bà con cũng thu được vài trăm ngàn đồng.

Nhưng hiện nay, mỗi ngày thả lưới nhiều nhất cũng được chừng 5-7 kg cá rô phi và các loại cá giá trị thấp nên nguồn thu chỉ chừng 100-120 ngàn đồng.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 3.

Ông Lê Minh Thủy đã có quá trình 10 năm hành nghề đánh cá giữa lòng hồ.

Vừa đến hồ thì gió lớn nổi lên, ông Trần Hữu Anh (54 tuổi, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân) phải ngồi đợi trên bờ. Hành nghề đánh cá tại hồ Rào Quán hơn 10 năm nay, ông Anh đã nếm trải đủ mọi vất vả nhưng vẫn cố duy trì công việc cực nhọc này mong kiếm mỗi ngày trăm ngàn để sống.

Ông Anh có 3 đứa con đang đi học, đứa nhỏ lớp 10, đứa thứ hai học hết lớp 12.

“Nước hồ cạn xuống ảnh hưởng rất lớn đến việc mưu sinh. Lúc nước lên, mặt hồ mênh mông thì việc đánh bắt dễ dàng. Khi nước cạn, cá ra sâu thì đánh bắt khó hơn”, ông Anh cho hay.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 4.

Vợ chồng anh Lợi, chị Khuê thả lưới trên hồ nhưng chỉ bắt được ít cá, tép.

Không thể ngồi chờ gió yên lặng, vợ chồng anh Lợi, chị Khuê (xã Hướng Tân) vẫn quyết tâm dong thuyền ra hồ thả lưới. Một giờ trôi qua nhưng vợ chồng anh chỉ đánh được một ít tép và cá bống. “Mùa mưa nước to, dù lạnh và vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 500 ngàn, nhưng mùa này chỉ còn 200-300 ngàn, không đủ ăn trong ngày”, anh Lợi chia sẻ.

Dẫu tuổi đã cao nhưng ông Lê Minh Thủy (gần 70 tuổi, thôn Trằm, Hướng Tân) vẫn ngày ngày ra hồ thả lưới để mưu sinh. Rời vùng quê Triệu Lăng lên đây sinh sống với con, ông hàng ngày đi thả lưới, vợ ở nhà trồng trọt, chăn nuôi.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 5.

Mực nước xuống thấp ảnh hưởng đến việc mưu sinh của hàng chục hộ dân.

Từ ngày hồ Rào Quán được ngăn lại làm thủy điện, ông đã bám lấy công việc đánh bắt cá trong lòng hồ để sinh sống. Ông Thủy nói rằng: “Hơn 10 năm gắn bó với nghề mà không đủ ăn. Bây giờ tuổi cao rồi, việc đánh bắt cũng không được thường xuyên nên thu nhập giảm sút. Đến khi đau đi viện cũng không có tiền trang trải chi phí và mua thuốc”.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 6.

Ông Anh và vợ dong thuyền ra hồ đánh cá.

Ông Thủy cho hay, những khi đánh bắt may mắn thì được gần 10 kg, bình thường chừng 5-7 kg. Mỗi kg cá bán được khoảng 20 ngàn thì cũng chỉ được 180-200 ngàn mỗi ngày.

Dù bản thân còn trẻ, khỏe, hàng ngày theo các cụ ông trong làng ra hồ đánh lưới, anh Nguyễn Công Dương cũng không còn hào hứng với nghề đánh cá. Nhưng vì cuộc sống, vợ chồng anh phải bám nghề để kiếm gạo qua ngày.


Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 7.

Dù khó khăn nhưng nhiều hộ vẫn quyết bám nghề.

Anh Dương chia sẻ: “Ngày thường đánh bắt rất hiếm gặp được cá to, chủ yếu là các loại cá rô, cá trắm, cá chép... Khi nào gió to, mưa lớn không đánh cá được thì phải ở nhà. Bởi có mạo hiểm đánh thuyền ra hồ thả lưới cũng nhiều lần phải trở về tay không”.

Hành nghề giữa lòng hồ, những người dân nơi đây đều trông cậy vào thời tiết, mong trời sóng yên, gió lặng để sinh sống. Thế nhưng, cá tôm ngày càng ít dần khiến nguồn thu nhập của bà con trở nên bấp bênh.

Người dân chật vật mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện - Ảnh 8.

Một thanh niên trẻ đánh bắt trở về chỉ thu được 5 kg cá rô phi.

“Khó khăn nhưng cũng quyết bám nghề, bởi mình là con nhà ngư nghiệp nên không làm nghề này thì lấy gì để sinh sống. Trồng cây cà phê thì ngày càng thua lỗ, cây hoa màu thì không quen”, anh Lợi trăn trở.