Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người dân mất khoảng 10.000 tỷ đồng vì lừa đảo trực tuyến

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho biết, năm 2023, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của người dân khoảng 10.000 tỷ động qua lừa đảo trực tuyến.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Phước) vừa tiếp nhận đơn của 1 phụ nữ trú phường Minh Thành, Thị xã Chơn Thành đến trình báo việc bị tội phạm công nghệ cao giới thiệu công việc nghe nhạc trên ứng dụng mạo danh Zing MP3 và đã bị lừa mất hơn 2 tỷ đồng.

lua dao.png
Các đối tượng thường “lùa” nạn nhân vào các hội nhóm với nhiều “con mồi” nhử nạn nhân.

Theo đơn trình báo của bà L.H.T, ngày 26/5, một tài khoản mạng xã hội Telegram có tên "Hằng HD Thúy" gửi kết bạn. Tài khoản này nhắn tin có việc làm online tại nhà, không mất phí dịch vụ, không cọc tiền, chỉ cần làm nhiệm vụ nghe nhạc trên ứng dụng Zing MP3, sau đó bỏ phiếu bình chọn ca sĩ rồi chụp hình đã bỏ phiếu gửi lại cho đối tượng sẽ nhận được 35.000 đồng/1 điểm bình chọn. 

Bà T. đồng ý tham gia. Sau đó, người này hướng dẫn bà T. tham gia vào hội nhóm trên mạng xã hộ Telegram và làm nhiệm vụ bỏ phiếu cho ca sĩ để đổi điểm trên một đường link (giả mạo ứng dụng Zing MP3) do đối tượng cung cấp và nhận được 100.000 đồng.

Tiếp đó, người này hướng dẫn bà T. sử dụng tài khoản Telegram kết bạn với "chuyên gia" có tên Nguyễn Duy Hải để được hướng dẫn làm nhiệm vụ bỏ phiếu với mức nộp cọc 200.000 đồng sẽ nhận được 80.000 đồng/1 điểm bình chọn. Sau khi làm xong các nhiệm vụ, bà T. sẽ được chuyển khoản trả lại số tiền cọc đã nộp.

Ngày 12/6, bà T. được đối tượng thông báo tham gia vào "Nhóm bỏ phiếu Zingmp3" và hướng dẫn bà làm hợp đồng cam kết để được hưởng lợi nhuận từ 40 - 50%. Tiếp đó, bà T. tham gia làm nhiệm vụ "lượt bình chọn 1" và vào đường link (do đối tượng gửi trên nhóm) để bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ M.T.

Để có được 50 điểm bình chọn, bà T. phải nộp số tiền cọc tương ứng 5 triệu đồng (đối tượng nói sẽ trả lại số tiền này sau khi hoàn thành nhệm vụ). 

Do muốn được hưởng lợi nhuận nhiều, bà T. liên tiếp tham gia các nhiệm vụ 2, 3, 4, 5 và 6 với số tiền nộp ngày càng nhiều và số điểm thưởng cũng cao dần lên 850 điểm tương ứng với tiền được hưởng là 127 triệu đồng.

Bà T. bị cuốn theo, liên tiếp nhận được sựu chỉ dẫn của các "chuyên gia" trong nhóm, do hám lợi nên đã liên tiếp chuyển khoản 19 lần với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Đến khi bà T. muốn rút tiền gốc và lãi, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để thoái thác trả lại tiền đã nạp vào hệ thống. Lúc này, nghi ngờ bị tội phạm công nghệ cao lừa, bà T. đã đến công an trình báo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang thông tin, năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. 

Năm 2023, Cục A05 đã xác minh và phát hiện nhiều vụ tin tặc, gián điệp mạng đánh cắp và mã hóa một lượng lớn dữ liệu quan trọng; đồng thời phối hợp với công an các địa phương đã khởi tố hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. 

Lý giải về việc mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt song nhiều người vẫn sập bẫy, Cục A05 cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Ngoài ra, việc người dùng mạng xã hội thiếu ý thức cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 80

Tin liên quan