Không muốn bố lấy vợ vì sợ phải nuôi cả hai người già!
Mấy ngày nay, nhà Hảo rối như canh hẹ. Cả nhà đang đau đầu vì bố Hảo tự dưng đòi lấy vợ. Mẹ Hảo mất khi 4 chị em cô còn đang tuổi ăn tuổi học. Bố Hảo ở vậy một mình nuôi các con. Ba chị gái Hảo đều đã có công ăn việc làm và lập gia đình ở riêng, chỉ còn mình Hảo ở cùng bố. Hảo đã đi làm, có thu nhập ổn định và đang tính chuyện cưới xin. Để tiện đường chăm sóc, báo hiếu bố, Hảo bàn với chồng tương lai là sau khi cưới, vợ chồng cô sẽ ở cùng với bố. Thế nhưng, từ khi Hảo có ý định lấy chồng, bố Hảo cũng tuyên bố sẽ đi thêm bước nữa. Chị em Hảo bất ngờ và không đồng ý bởi lý do, bố đã gần 70 tuổi, hay ho gì chuyện lại lấy vợ.
Là bạn thân, Hảo gọi điện cho tôi tâm sự. Mới đầu, tôi cũng thoáng giật mình, nhưng suy nghĩ kỹ, tôi bảo bạn, đó cũng là chuyện bình thường, bởi mẹ Hảo đã mất lâu rồi, giờ già cả, bố bạn cũng có nhu cầu cần người bầu bạn, tâm sự. Thế nhưng, Hảo nổi đóa, bảo: Làm sao mà bình thường được! Bố tớ đã già, lấy vợ bây giờ, thiên hạ người ta cười cho. Với lại, bố tớ không có lương, bà ấy cũng vậy, lấy nhau rồi tớ không kham nổi việc chăm sóc, phụng dưỡng hai người già.
À ra vậy, hóa ra lý do chính khiến bạn tôi không muốn bố đi thêm bước nữa là lo phải chăm sóc hai người già!

Người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để chia sẻ tình cảm. Ảnh minh họa (Internet)
Ngăn cản mẹ tái giá vì sợ phải chia tài sản
Chuyện kết hôn của ông Thực đầu tiên là mắc phải rào cản từ phía các con của bà Lương - người phụ nữ mà ông định chắp nối. Chồng bà Lương bị tai nạn lao động mất khi bà mới ngoài 30. Mặc dù có rất nhiều người muốn cùng bà gánh vác chuyện gia đình, nhưng bà Lương đều từ chối, vì sợ các con sẽ khổ khi phải sống cùng cha dượng. Cả thời tuổi trẻ, bà Lương nén nỗi buồn, sự cô đơn mà lao vào làm ăn, buôn bán đủ các mặt hàng để có tiền nuôi 2 con ăn học. Sau khi dựng vợ gả chồng xong cho các con, bà Lương mới gặp và có ý định tái giá cùng ông Thực. Tuy nhiên, hai con bà lại ra sức phản đối, vì ông Thực đã già, tài sản lại không có, trong khi bà Lương mới ngót 60 và có một cơ ngơi khang trang cùng đồng vốn tiết kiệm kha khá. Các con bà Lương lo mẹ vất vả khi phải nuôi người cha dượng già yếu và sợ phải chia tài sản cho người ấy nên cực lực phản đối. Họ đã gặp ông Thực nửa cầu xin, nửa yêu cầu ông không được quan hệ với mẹ mình nữa. Biết chuyện, các con ông Thực cũng tự ái đùng đùng, ra sức can ngăn, cấm cản, không cho ông bà đến với nhau. Không nhận được sự ủng hộ của các con, mặc dù rất muốn bầu bạn với nhau lúc tuổi già, nhưng ông Thực và bà Lương đành ngậm ngùi chia tay.
Bố mẹ muốn đi bước nữa, con cái phải làm sao?
Các cụ thường có câu “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Mặc dù được con cái chăm sóc tận tình, chu đáo, vật chất không thiếu, nhưng rất nhiều ông bố, bà mẹ vẫn cảm thấy cô đơn, trống trải khi thiếu đi người bạn đời. Lúc con còn nhỏ, có rất nhiều cơ hội để đi thêm bước nữa, nhưng đa số họ đều từ chối và chấp nhận hy sinh, vì sợ các con khổ khi sống trong cảnh “mẹ ghẻ con chồng”, “cha dượng con vợ”. Cả thời thanh xuân, họ chấp nhận vò võ đơn côi, chỉ tập trung làm lụng nuôi con. Đến khi con cái trưởng thành, lập gia đình riêng, họ mới thấm thía nỗi cô đơn, hiu quạnh và có nhu cầu đi thêm bước nữa. Đa số người già đi thêm bước nữa chủ yếu là vì nhu cầu tinh thần. Họ muốn có người bầu bạn, cùng sẻ chia vui buồn lúc tuổi xế chiều. Tuy nhiên, không phải mong muốn này của ai cũng suôn sẻ và được con cháu ủng hộ. Phần lớn con cái các cụ có suy nghĩ: Ngày trẻ, cha/mẹ mình đã chấp nhận ở vậy, tại sao giờ con cháu đuề huề lại đòi kết hôn làm gì? Chưa kể, nhiều người con vì ích kỷ cá nhân, sợ dân làng dị nghị nên ra sức phản đối. Có không ít trường hợp, con cái sợ cha/mẹ kết hôn sẽ phải chia tài sản nên đã dùng mọi cách để ngăn cản.

Con cái đừng vì lý do này hay lý do khác ngăn cấm, đẩy cha mẹ mình xuống đáy của sự cô đơn. Ảnh minh họa (Internet)
Trẻ yêu theo kiểu của trẻ, người già cần nhau theo kiểu của già. Thiết nghĩ, việc cha mẹ già cô đơn đi thêm bước nữa là một nhu cầu chính đáng. Con cái không nên quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà ngăn cấm. Nếu mối lương duyên của cha/mẹ chính đáng thì con cháu nên ủng hộ, vì đây cũng là một cách báo hiếu bậc sinh thành.
Ở tuổi nào con người cũng có nhu cầu hạnh phúc, đặc biệt là tuổi già lại càng cần hơn sự chia sẻ, tâm sự mà nhiều khi con cháu không thể làm được vì khoảng cách thế hệ, tuổi tác, thời gian... Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để chia sẻ tình cảm. Con cái đừng vì lý do này hay lý do khác mà ngăn cấm, đẩy cha mẹ xuống đáy của sự cô đơn.
Hồng Trần/GĐTE