Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là bước đi nhằm hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi số và hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tháng 10/2022, Thừa Thiên Huế đã kích hoạt, đưa vào sử dụng và ra mắt giải pháp thanh toán số qua chức năng Ví điện tử trên ứng dựng Hue-S cài đặt trên smartphone. Chức năng này cho phép người dùng thực hiện nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán nhiều loại hóa đơn dịch vụ tiện ích ngay trên nền tảng Hue-S mà không cần chuyển tiếp qua bất cứ ứng dụng trung gian khác.
Ngay sau khi tích hợp thành công và ra mắt ví điện tử trên Hue-S, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cùng Công ty cổ phần FPT Telecom đã phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HUEWACO), Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) nghiên cứu tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền nước và tiền dịch vụ vệ sinh môi trường qua Hue-S.
Không chỉ tập trung tạo ra tính năng thực tiễn, phục vụ nhu cầu thanh toán mọi hóa đơn của người dân, Ví điện tử trên Hue-S còn áp dụng đa nền tảng công nghệ, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cá nhân người dùng, đem đến sự an tâm cho người sử dụng.
Đây là một bước khởi đầu trong giao dịch thanh toán hóa đơn hạn chế sử dụng tiền mặt, ứng dụng công nghệ số để người dân thanh toán tiền nước và tiền dịch vụ vệ sinh môi trường thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất; đặc biệt là từng bước thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo lãnh đạo HEPCO, bên cạnh sử dụng Ví điện tử trên Hue-S, người dân Thừa Thiên Huế cũng có thể thanh toán hoá đơn dịch vụ môi trường qua các ứng dụng thông minh khác, đó là: Viettel Money, VN Pay, Momo.
Ngoài chức năng thanh toán hoá đơn, Hue-S và HEPCO cũng đã thống nhất kích hoạt chức năng tìm kiếm “điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại” trên ứng dụng Hue-S. Việc kích hoạt chức năng này sẽ giúp hỗ trợ người dân tìm kiếm và dễ dàng đi đến các địa điểm đặt thùng lưu chứa các loại rác thải sinh hoạt đã phân loại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc ra mắt thanh toán hóa đơn tiền nước và tiền dịch vụ vệ sinh môi trường qua Hue-S là cơ hội giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, ban ngành liên quan tiếp cận với các dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên Ví điện tử Hue-S. Theo ông Bình, từ nay, việc thanh toán hóa đơn tiền nước và tiền dịch vụ vệ sinh môi trường đã không còn là mối lo của người dân. Chỉ cần một chiếc điện thoại có ứng dụng Hue-S và liên kết tài khoản Ví điện tử, người dân có thể thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền dịch vụ vệ sinh môi trường hàng tháng ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất; không phải tốn công đi lại, không lo trễ hạn; thao tác đơn giản; biên lai điện tử dễ lưu trữ và dễ dàng thống kê chi tiêu hàng tháng một cách chính xác. Đặc biệt là đảm bảo thông tin cá nhân, đem đến sự an tâm cho người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước phải là những người đi đầu, dẫn dắt và tích cực thực hiện thanh toán các hóa đơn dịch vụ bằng Ví điện tử trên Hue-S; 100% cán bộ, công chức, viên chức phải sử dụng Ví điện tử và thanh toán các dịch vụ qua Ví điện tử.
Trong sáng 23/2, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với Công ty Tech Mahindra về Chiến lược Chuyển đổi số cho Thành phố thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Được biết, mục tiêu chính của dự án là thiết lập một khuôn khổ hợp tác để xây dựng đầu vào chung giữa các ban ngành của Thừa Thiên Huế và các bên liên quan như: dịch vụ nước, rác thải, chiếu sáng, an toàn và an ninh, cổng thông thông tin chính quyền… Khuôn khổ này cho phép đồng hóa và phân tích trên cùng một nền tảng để tạo ra bộ thông tin tổng hợp cấp thành phố. Từ bộ thông tin tổng hợp có thể chuyển đổi thành những hành động thông minh để phổ biến tới người dân và các bên liên quan.
Để giúp tỉnh Thừa Thiên Huế hoạch định phát triển một cách có hệ thống và phù hợp trong chiến lược phát triển, Tech Mahindra đã tiến hành đánh giá và phân tích sự chuyển đổi kỹ thuật số cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho thành phố thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế qua các yếu tố khác nhau, như: An toàn và an ninh xã hội; Năng lượng thông minh; Nền tảng và ứng dụng số, Nước sạch thông minh và Nước thải thông minh; Hạ tầng số, Dữ liệu số, Chiếu sáng thông minh; Xử lý Chất thải rắn thông minh và Du lịch thông minh...