Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người mặc bộ đồ PPE luôn... bỏ tay vào túi áo

(Dân sinh) - Các tỉnh phía Nam đã trải qua hai tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau. Đặc biệt, trong khoảng một tháng gần đây, nhiều địa phương trong vùng áp dụng Chỉ thị 16 và 16+, nhằm mục đích chặt đứt các chuỗi lây nhiễm.

Trong cuộc chiến chống lại "giặc Covid-19" ấy, có rất nhiều câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, đức hy sinh, tình cảm sâu đậm giữa những con người cùng sống trong cảnh hoạn nạn...

Chúng tôi sẽ gửi tới quý độc giả những câu chuyện được ghi từ vùng tâm dịch - như những lát cắt của cuộc sống, với mong muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người, để tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến còn trường kỳ và cam go.

Người mặc bộ đồ PPE luôn... bỏ tay vào túi áo - Ảnh 1.

BS Nguyễn Hữu Trung (trái) và người tình nguyện viên khuyết tật (phải) (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Suốt mấy tháng qua, bên cạnh công việc chuyên môn, TS. BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Sản - BV Đại học Y dược TP.HCM đã cùng những cộng sự của mình tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, hỗ trợ cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên những chặng đường gian khó giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành, ông đã trực tiếp hiện diện trong không ít những câu chuyện cảm động...

Chuyện diễn ra vào một ngày đầu tháng 8, khi tình hình dịch bệnh ở tỉnh Bình Dương đang tăng nhanh. Số ca nhiễm mới hằng ngày có chiều hướng "bám sát" với TP.HCM. Mặc dù đang phải căng sức để chống dịch, điều trị bệnh nhân, ngành Y tế TP.HCM vẫn chia sẻ một phần nhân lực, vật lực để hỗ trợ tỉnh bạn.

Là một giảng viên từng nhiều năm giảng dạy, đào tạo nên các thế hệ bác sĩ, BS Trung có không ít học trò cũ đang "tác chiến" ở Bình Dương. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, thầy trò càng phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với nhau - khi thì nhờ tư vấn về chuyên môn, lúc thì nhờ tìm nguồn vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc men để hỗ trợ cho các "điểm nóng".

Những cuộc điện thoại chớp nhoáng, những lần gặp gỡ ngắn ngủi chỉ tính bằng phút, nhưng giá trị nhiều khi được quy đổi thành những sinh mạng...

BS Trung với chiếc ô tô con của mình đã trở thành "shipper" chuyên vận chuyển máy móc, vật tư y tế, luôn sẵn sàng lên đường mỗi khi nhận được yêu cầu trợ giúp.

Cuối giờ chiều hôm đó, một học trò đang là học viên Chuyên khoa 1 sản khoa đang làm việc ở Trung tâm Y tế TP Thuận An (Bình Dương) gọi điện nhờ BS Trung tìm gấp cho một số máy thở oxy có túi.

Lúc này, BS Trung đang làm việc ở khu vực quận Phú Nhuận, đường lên Bình Dương khá xa, lại gần đến giờ "giới nghiêm", nên anh hẹn gặp học trò ở chân cầu vượt Bình Phước - điểm tiếp giáp giữa Bình Dương với TP Thủ Đức, để giao "hàng".

"Tụi em mặc đồ PPE (đồ bảo hộ y tế), hẹn ở bên phía TP.HCM cho thuận tiện thầy" - cậu học trò giao hẹn.

BS Trung vội vã chất mấy thùng đồ lên xe và lập tức lên đường. Những con phố Sài Gòn thường ngày vào giờ cao điểm kẹt cứng, vậy mà giờ đây vắng lặng đến rợn người. Nhưng cảnh vật đó không còn xa lạ với một "shipper chuyên nghiệp" như BS Trung. Ông nhấn ga, cố gắng chạy nhanh nhất có thể. Vào lúc này, nhanh hơn 1 phút có thể cứu được 1 mạng người.

Khi tới gần điểm hẹn, đã thấy xe của Trung tâm Y tế Thuận An chờ sẵn. Từ xa, ông đã thấy bóng hai chiếc áo xanh PPE đứng đợi, trong đó có một cậu là học trò, còn người kia thì ông mới gặp lần đầu.

Cuộc gặp chớp nhoáng, hai em khuân đồ xuống, để đồ lên vệ đường, tranh thủ chụp hình, thầy trò hỏi thăm nhau, vui mừng vì vẫn được an toàn...

Mặc dù chỉ gặp một vài phút, nhưng BS Trung kịp nhận ra điểm khác lạ ở người đi cùng với cậu học trò, đó là dường như người này sau khi làm xong việc, thì lúc nào cũng... cho tay vào túi áo (?). Ông cố gắng quan sát thêm, và thật sự ngỡ ngàng khi phát hiện ra một sư thật: Em không có cả hai tay!

Không có tay, nhưng em vẫn có thể khuân vác đồ đạc, sắp đặt gọn gàng. Chính vì bộ PPE không có túi, nên ông mới phát hiện ra "điều bất thường" ấy.

Hôm sau ông gọi điện hỏi thăm học trò, mới biết chàng trai khuyết tật ấy là luật sư và đang làm nghiên cứu sinh. Em tham gia lực lượng tình nguyện chống dịch từ khá lâu. Dù khuyết tật nhưng em luôn sẵn sàng làm tất cả mọi việc, từ khuân vác, dọn dẹp đồ đạc cho tới làm tài xế... Em làm việc rất nhiệt tình và trách nhiệm!

"Đó mới là sự phi thường! Trong hoàn cảnh nghiệt ngã này, con người mới thể hiện sức mạnh lớn lao đến nhường nào!" - BS Nguyễn Hữu Trung nói với sự thán phục và đầy xúc động...