Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người mắc lao màng não sinh con an toàn

Mới đây, một bé gái con của sản phụ mắc lao màng não đã chào đời trong niềm vui khôn siết của y, bác sĩ và gia đình. Lao màng não là một thể lao vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và thường để lại nhiều di chứng nặng nề, nhưng sản phụ đã được điều trị kịp thời và khỏe mạnh. Đây là tin vui và tín hiệu đáng mừng cho người mắc bệnh lao, khi mà Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu.

Cháu bé chào đời là kết quả của sự phối hợp ăn ý giữa y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Cháu bé chào đời là kết quả của sự phối hợp ăn ý giữa y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Ca sinh con đặc biệt

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, cháu bé chào đời ngày 8/12/2021. Trước đó hai tuần, người sản phụ đang mang thai tuần thứ 34 có biểu hiện đau đầu ngày một tăng, sốt nóng, sốt rét thất thường, ý thức giảm dần, tự uống thuốc giảm đau hạ sốt tại nhà không đỡ.

Nhập viện trong tình trạng hay nói nhảm, sốt cao, người bệnh được các bác sĩ của Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ định các xét nghiệm, đặc biệt là chọc dịch não tủy và được chẩn đoán mắc lao màng não thể nặng. Đây là một thể lao vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và thường để lại nhiều di chứng nặng nề. Bác sĩ Lê Công Sỹ, Khoa Nội tổng hợp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Đây là ca bệnh lao màng não tiên lượng nặng, khả năng để lại di chứng như liệt các dây thần kinh sọ, liệt các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể là rất cao. Chúng tôi lên phác đồ thuốc lao, chống phù não, nâng cao thể trạng và đồng thời hội chẩn với bác sĩ sản khoa Bệnh viện Phụ sản Trung ương quyết định mổ bắt thai để có thể thực hiện những bước điều trị tích cực tiếp theo. Hiện tại, sức khỏe của người mẹ đã ổn định, nhưng đây mới chỉ là thành công ban đầu, quá trình điều trị còn rất dài và khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm của người bệnh và gia đình”.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức chia sẻ: “Việc điều trị tích cực giúp cho tình trạng tăng áp lực nội sọ của người bệnh giảm đi rất nhiều, nhờ đó sản phụ có thể đáp ứng an toàn với phương pháp gây mê tủy sống, một kỹ thuật gây mê lý tưởng nhất cho những người mẹ khi phẫu thuật mổ lấy thai”. Hiện tại, ca phẫu thuật đã an toàn, đó là kết quả của sự phối hợp ăn ý giữa bác sĩ điều trị, bác sĩ gây mê và bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bố của em bé vui mừng chia sẻ: “Trước đây, vợ tôi không tỉnh táo, hay nói nhảm, bây giờ sức khoẻ của vợ tôi đã được hồi phục khoảng 90%, cô ấy đã nhận biết được nhiều và đặc biệt là cảm nhận được hạnh phúc khi gia đình có thêm thành viên mới”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021”.

Người mắc bệnh lao đi khám giảm 50-70%

Tại “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021” mới đây, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tại Việt Nam công tác chống lao đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân.

Từ thời điểm cuối tháng 4/2021, bắt đầu giai đoạn 4 của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, với quy mô đại dịch lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta, sự ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và đã làm gián đoạn hoạt động của Chương trình Chống lao Quốc gia nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Với nguồn nhân lực có hạn, để bảo đảm sự ổn định của hoạt động chống lao, y tế dự phòng nên nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình, một số hoạt động tại một số tỉnh còn chưa thể triển khai theo kế hoạch như phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn... do việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại nhiều tỉnh, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong năm 2021, lượng người đến khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới hiện đạt 84,7%. Tỷ lệ điều trị thành công là 91,9%, đạt mục tiêu Chương trình Chống lao Quốc gia đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao, như Hòa Bình 94%, Khánh Hòa 96% và đặc biệt là Hậu Giang 98%. Những số liệu này cho thấy hoạt động điều trị vẫn được duy trì tốt với tỷ lệ điều trị khỏi cao, tuy nhiên việc theo dõi bệnh nhân để bảo đảm quy trình điều trị được hoàn thành vẫn cần nhiều nỗ lực từ các tỉnh đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Sau đại dịch Covid-19, hy vọng các địa phương sẽ có biện pháp ứng phó đồng bộ với bệnh lao giống như các biện pháp triển khai chống dịch Covid-19. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, một trong những nhiệm vụ trọng điểm của Chương trình Chống lao Quốc gia là “Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở”. Chương trình sẽ tăng cường truyền thông các sự kiện hướng đến vận động đưa phòng chống lao vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi. Chương trình cũng phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 04/2016/TT-BYT, tiếp tục hỗ trợ địa phương hoàn thiện các phương án kiện toàn các cơ sở y tế bảo đảm đủ điều kiện thanh toán khám, chữa bệnh lao qua BHYT. Quản lý cung ứng, điều phối, điều tiết thuốc chống lao mua từ nguồn BHYT trên phạm vi toàn quốc.