20g30, đường Phạm Văn Đồng thưa thớt người qua. Đèn bật xanh nhưng chẳng có chiếc xe nào buồn chạy. Chỉ có góc đèn ấy là luôn hiện diện người phụ nữ nhỏ thó, gầy guộc với xấp vé số trên tay, chờ người…
Người phụ nữ ấy là chị Phượng (tên khai sinh là Nguyễn Thị Phượng) 50 tuổi, quê tận Bến Tre. Nhận diện chị khó bởi ngoài xấp vé số trên tay, chiếc nón lưỡi trai là vật “bất ly thân” với chị, bởi nó luôn che chở cho mái đầu bị rụng hết tóc của chị sau những lần xạ trị.
Ung thư tụy – căn bệnh quái ác đã hành hạ chị mấy năm qua, 4 lần xạ trị là hết ba lần chị phải chạy vay nợ nần. 16 triệu đồng một lần xạ trị (sau khi đã trừ bảo hiểm) chưa tính chi phí thuốc men là quá lớn đối với gia đình nghèo khó như chị.
Đầu năm 2021, không muốn là gánh nặng cho gia đình, chị khăn gói lên Thủ Đức ở trọ cùng người em (phụ rửa chén bát ở một quán ăn) ở đường 49, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Mỗi buổi chiều tối tầm 18 giờ, chị chậm rãi, từng nhịp cọc cạch với chiếc xe đạp cũ kỹ băng qua ngã tư “Cá sấu hoa cà” rồi ngồi bệt xuống vỉa hè ngay cột đèn xanh đỏ (hướng Bình Triệu - Gò Dưa) để bắt đầu mưu sinh.
Được nhiều người đi đường thương cảm, ngày nắng ráo chị cũng kiếm 100 đến 150 ngàn đồng để trang trải tiền thuốc, phụ tiền ăn hàng ngày, còn hôm nào mưa thì… đành chịu.
Ghé mua giúp chị vài tờ vé số giữa mùa vắng, chị chỉ vào túi gạo để trên baga xe đạp: “mấy bữa nay dịch, người đi đường vắng, bán ế lắm nhưng cũng may chú à, lúc nãy có cô nào đó chạy ngang cho tôi bịch gạo, quý lắm!”
Tôi hỏi chị: "Sao đèn đỏ xe dừng chị không mời người ta mua mà chị ngồi khuất như vầy sao bán được?”. chị lắc đầu nhẹ rồi không nói câu gì…
Rời chị, lùi xa để chụp tấm ảnh, bất chợt chị đứng dậy lấy gì đó trong giỏ xe, tôi mới biết chị không mời khách dừng đèn đỏ bởi sức khỏe chị không cho chị đi tới đi lui như những người bình thường khác.
Đã 21 giờ, Thành phố đang giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.