Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Người Thái Thanh Hoá: Độc đáo tín ngưỡng thờ “hòn đá vía”

(DÂN SINH) - Người dân tộc Thái ở Thanh Hóa nổi tiếng với những luật tục, lễ hội truyền thống độc đáo. Trong số đó, khi đến huyện miền núi Quan Sơn chúng ta có thể biết thêm tục thờ “hòn đá vía” gắn liền lễ hội Mường Xia.

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái ở huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Lễ hội Mường Xia rất quan trọng. Trong đó phong tục gửi "vía" nơi "hòn đá vía" mang đậm nét nhân văn trong phong tục cúng tế của đồng bào.

Theo lời kể của các bậc cao nhân địa phương, "hòn đá vía" ở Mường Xia có từ xa xưa, sự linh thiêng, ứng nghiệm của "hòn đá vía" từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây.

Người Thái Thanh Hoá: Độc đáo tín ngưỡng thờ “hòn đá vía” - Ảnh 1.

Tại bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy- Quan Sơn - TH) "hòn đá vía" nằm sát nền nhà của Tư Mã Hai Đào (Phò mã Tén Tằn).

Người dân Mường Xia quan niệm sự kết hợp giữa đá và các đối tượng thờ cúng sẽ tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, bản chất sự sống trong đá sẽ tiếp thêm sinh khí cho những biểu tượng về sự sinh sản…

Lễ hội Mường Xia là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Thái ở vùng biên giới Quan Sơn với tục thờ "Hòn đá vía" gắn liền công trạng người anh hùng Tư Mã Hai Đào. Theo một số tài liệu cho thấy: Tư Mã Hai Đào là vị tướng tài, giúp vua lập nhiều chiến công, được phong tước Tư mã Biên phòng ở thế kỷ XV.

Người Thái Thanh Hoá: Độc đáo tín ngưỡng thờ “hòn đá vía” - Ảnh 2.

Lễ hội Mường Xia có tục rước "hòn đá vía".

Trong thời gian trấn biên cương ông đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ, góp phần khai sáng vùng đất biên ải, mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng.

Sau khi ông mất, để nhớ tưởng công trạng của ông, người dân đã gửi vía vào hòn đá thiêng. Từ đó, ông được người người dân Mường Xia coi là vị thần giữ vía cho cả mường. "Hòn đá vía" trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần to lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái ở đây.

Trong lễ hội Mường Xia, "hòn đá vía" sau khi được đào lên sẽ được gội rửa sạch sẽ bằng nước đựng trong các ống tre, nứa lấy từ thượng nguồn dòng suối. Tiếp đến, người dân lau chùi cẩn thận, dùng tấm vải đỏ bọc lại, cẩn thận đặt lên kiệu Long Đình do 18 thanh niên chọn lựa kỹ càng, mang trang phục dân tộc rước đi.

Nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn Hà Thị Mai cho biết: "Khi "hòn đá vía" về tới đền và yên vị, mâm lễ rước về được bổ sung thêm hai chum rượu cần cạnh bên "hòn đá vía", còn Lặc Mắn đặt tại vị trí trung tâm của đền. Tiếp đó các bà Một - chủ lễ bắt đầu làm lễ. Sau khi kết thúc lễ hội, "hòn đá vía" lại được người dân mang về vị trí cũ tại bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy) bảo quản cẩn thận".

Đồng bào Thái cho rằng, vía con người do trời cai quản, nếu không giữ được vía thì con người và vạn vật sẽ ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, Lặc Mắn (hòn đá vía) luôn được người dân coi như báu vật từ đời này sang đời khác.