Để phục vụ người dân mua sắm Tết, từ 3 tháng trước, Bộ Công Thương đã đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan, sở công thương và các địa phương đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ, chuẩn bị nguồn hàng phong phú, dồi dào và thực hiện nghiêm túc
Mặc dù đang dồn lực chống dịch bệnh Covid-19, nhưng để phục vụ nhân dân mua sắm Tết, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết trị giá gần 2.000 tỉ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo các loại, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng hàng hóa thực phẩm thịt tại Quảng Ninh trong quý I/2021 dự kiến như sau: Sản lượng thịt khoảng 24.640 tấn; 33 triệu quả trứng; 32.000 tấn rau củ quả (đã thu hoạch và sử dụng khoảng 12.000 tấn còn khoảng 20.000 tấn); lượng thủy sản khai thác được cần tiêu thụ trước và sau Tết Nguyên đán với tổng sản lượng ước khoảng 6.228 tấn...; 107 triệu chậu, cành cây cảnh (đào, quất, hoa...). Như vậy, nguồn cung khá dồi dào.
Tại Hải Dương, báo cáo của Sở Công Thương tỉnh cho biết, lượng hàng hóa đã được ngành Công Thương chỉ đạo chuẩn bị từ gần 2 tháng nay. Trong dịp Tết Tân Sửu sẽ không có tình trạng khan hàng - sốt giá dù địa phương này đang căng mình chống dịch Covid-19. Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả; 20.000 tấn thịt, 8000 tấn cá.
Tương tự, TP.Hải Phòng cũng đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, nguồn cung tăng từ 15-30%. Chủng loại hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay khá dồi dào, đặc biệt là 9 nhóm hàng bình ổn giá. Nguồn cung dồi dào nên đến thời điểm này, đã sát thời điểm Tết ông Công, ông Táo nhưng giá hàng hóa không biến động nhiều.
Tại Hà Nội, trước đó, ngày 4/1/2021, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước dẫn đầu có buổi làm việc tại Sở Công Thương Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa Tết Tân Sửu.
Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 10-22% so với Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội
Ước tính tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn TP.Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020; hàng hoá dự trữ phục vụ Tết bao gồm: 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng, 315.000 tấn rau củ, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 15.750 tấn thuỷ hải sản, 156.000 tấn trái cây.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.Hà Nội đã chuẩn bị được 169.164 tấn gạo, 52.500 tấn thịt lợn, thịt gà hơn 38.100 tấn (nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng), 351 triệu quả trứng gà, 2.688 tấn thịt bò, 27.240 tấn thuỷ hải sản, 2.775 tấn thực phẩm chế biến, 201.897 tấn rau củ, 45.000 tấn trái cây.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng với lượng hàng hoá ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19" - bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Theo Bộ Công Thương, để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm Tết, ngay từ tháng 10/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện.
Theo báo cáo của Sở Công Thương một số địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình bình ổn thị trường được hầu hết các tỉnh tham gia.
Về nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Ngành Công Thương cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng các kẽ hở đề tuồn vào hội chợ. Bộ Công Thương cũng khẳng định phối hợp với các bộ, ban, ngành yêu cầu người dân thực hiện văn minh thương mại, an toàn phòng dịch Covid-19.
Qua Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc các Sở Công Thương, doanh nghiệp, địa phương xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...