Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận 84 ca sốt xuất huyết, 30 ca tay chân miệng. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phân bố tại 20 quận huyện, trong đó phần lớn tại huyện Đan Phượng (41 ca). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc (0 ca tử vong), tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 (595 ca).

Trong tuần, Thủ đô ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại Đan Phượng (2) và Bắc Từ Liêm (1). Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 17 ổ dịch, còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó 4 ổ dịch tại Đan Phượng gồm: Bãi Tháp và Đồng Vân (xã Đồng Tháp), thôn Phương Mạc, xã Phương Đình), thôn 3, xã Thượng Mỗ; 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt, Đống Đa và 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm.
CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát 2 ổ dịch đang hoạt động tại Đống Đa và Đan Phượng, đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát 8 ổ dịch sốt xuất huyết năm 2023 gồm: Yên Nghĩa (Hà Đông); Quang Trung (Phú Xuyên); Đồng Xuân (Hoàn Kiếm); Tiên Phương (Chương Mỹ), kết quả 4/8 ổ dịch có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh; số ca mắc trong tuần tăng 11 ca so với tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp có số mắc tăng.
Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho thấy tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều bệnh nhân tử vong. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư... Gần đây, một số địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết.
Việc gia tăng ca mắc một phần do tại một số địa phương, mưa đã xuất hiện trên diện rộng, thuận lợi cho sản sinh bọ gậy. Ngoài ra, sự chủ quan, lơ là, chưa tự giác phòng, chống sốt xuất huyết của người dân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Số ca phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận có khoảng 100.000 - 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Con số này chỉ phản ánh một phần thực tế bởi nhiều trường hợp không được chẩn đoán hoặc điều trị tại các cơ sở y tế.
Nguy hiểm hơn, giai đoạn hạ sốt trong thời gian bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi người bệnh bắt đầu hạ sốt, đây có thể là lúc virus tấn công mạnh mẽ nhất, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Sốc Dengue, suy đa cơ quan, bội nhiễm, thậm chí tử vong...
Chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua đã góp phần đạt 3 mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn.
“Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ đặc điểm của bệnh; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa, di dân, giao thương du lịch gia tăng; các hành vi, thói quen của người dân đến các khó khăn về nguồn lực đầu tư và hạn chế trong phối hợp liên ngành… việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng nhiều khó khăn và thách thức”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Theo PGS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), bệnh sốt xuất huyết có điểm rất khó khống chế, đó là những người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes cho người khác sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng 4 - 5 ngày, dù bệnh nhân đó không có triệu chứng.
Đáng lưu ý, một ổ dịch sốt xuất huyết dù đã được kiểm soát vẫn luôn có nguy cơ bùng phát trở lại hoặc tạo ra ổ dịch khác do muỗi di chuyển và duy trì mầm bệnh trong cộng đồng.
Bác sĩ Thái nhấn mạnh những trường hợp sốt xuất huyết được ghi nhận mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi còn rất nhiều trường hợp mắc trong cộng đồng không được ghi nhận. Khi có triệu chứng nhẹ, bệnh nhân nghĩ chỉ là sốt thông thường và những đối tượng này chiếm số lượng rất đông.
Thực tế trong quá trình điều tra từ những dịch sốt xuất huyết trước đó cho thấy, 80% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Do đó, con số thực về người nhiễm virus Dengue có thể cao hơn rất nhiều số liệu được báo cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có song chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Các nước có lưu hành sốt xuất đã đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhiều vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và phát triển. Hiện 2 vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và một số nước cấp phép là: Vaccine CYD-TDV và Vaccine TAK-003 (đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp đăng ký lưu hành).
Chia sẻ về vaccine phòng sốt xuất huyết, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, thành tựu vaccine sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là "vũ khí mới đối phó với dịch bệnh", giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả… Tuy nhiên, vaccine không phải là giải pháp duy nhất mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan của Việt Nam.
“Cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết”, TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Duy Anh
Báo Lao động Xã hội số 79