Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Occupational and Environmental Medicine, các đối tượng nghiên cứu là những phụ nữ làm thụ tinh nhân tạo, có độ tuổi trung bình 35, là một phần của một nghiên cứu Harvard, sẽ được xem xét những yếu tố có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản từ năm 2004 như làm việc giờ hành chính (9/10 người), công việc đòi hỏi thể lực từ mức độ vừa đến nhiều (chiếm 22%) và40% phụ nữ báo cáo phải nâng hoặc di chuyển vật nặng khi làm việc.
Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra chất lượng trứng trong số 313 phụ nữ đã hoàn thành một chu kỳ IVF cũng như tổng số trứng trong buồng trứng của 473 phụ nữ tại một phòng khám vô sinh.
Kết quả cho thấy những phụ nữ làm những công việc đòi hỏi nâng vật nặng, bao gồm cả y tá và thiết kế nội thất, bị giảm khoảng 15% số trứng sẵn sàng cho việc sinh sản.
Audrey Gaskins, đồng tác giả nghiên cứu cho biết những phụ nữ làm công việc ca kíp hoặc nâng vật nặng "có ít trứng đủ tốt để có thể lấy và trong số trứng có thể lấy, số chất lượng tốt đủ để làm tiếp còn ít hơn nữa".
Có thể do stress
Tuy các nhà khoa học không thể đánh giá tác động tiềm tàng của một số yếu tố bao gồm giờ làm việc, mức testosterone hoặc tiếp xúc thời thơ ấu với khói thuốc lá đối với khả năng sinh sản của đối tượng, song họ gợi ý rằng stress gây ra bởi sự thay đổi của đồng hồ sinh học hoặc gắng sức có thể giải thích cho những phát hiện này.
TS. Gaskins cho rằng làm việc ca kíp có thể gây giảm khả năng sinh sản thông qua "sự phá vỡ nhịp sinh học ảnh hướng đến sản sinh hoóc-môn và chu kỳ kinh nguyệt bình thường, đặc biệt đối với những phụ nữ phải luân phiên giữa ca ngày và ca đêm".
Rất khó giải thích tại sao các công việc liên quan đến nâng vật nặng có thể làm giảm khả năng sinh sản, nhưng cho phản ứng của cơ thể với stress thể chất lặp đi lặp lại có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất trứng có chất lượng tốt của người phụ nữ.
"Chúng ta đều biết rằng gắng sức và stress có thể ức chế hệ thống sinh sản nữ và khiến cho kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí không có", Channa Jayasena, giảng viên cao cấp Nội tiết tại trường Imperial College London cho biết.
Ying Cheong, giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Southampton, cho rằng nghiên cứu là "hữu ích và thú vị".
GS Cheong đã tiến hành một nghiên cứu thấy rằng gần 1/3 số phụ nữ làm ca đêm bị tăng tỷ lệ sẩy thai, và 22% những người làm việc ca kíp thay đổi có sự gián đoạn kinh nguyệt, có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản.
"Nghiên cứu hiện nay vẫn chưa thể phân định những yếu tố gây nhiễu như chế độ ăn, lượng giấc ngủ, hoạt động – đây là một lĩnh vực quá phức tạp", bà nói. "Điều này có thể dẫn đến, với nhiều bằng chứng hơn, những thay đổi về nhận thức và chính sách liên quan đến sức khỏe nói chung."
Những sáng kiến như kính lọc bước sóng ánh sáng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, hoặc sử dụng tốt hơn các thiết bị theo dõi giấc ngủ, có thể được sử dụng trong tương lai để giảm bớt tác động tiêu cực của các mô hình làm việc đối với khả năng sinh sản.