Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nguy hiểm rình rập trên cầu treo 37 năm tuổi ở Nghệ An

Phóng viên
Phóng viên

Đã 37 năm chưa thay cáp, chỉ sửa chữa rất ít, cầu yếu, tải trọng chỉ 5 tấn, trong khi giờ cao điểm và đêm khuy cầu phải gánh tải trọng lớn hơn rất nhiều.

cầu treo 1.jpg
Mố cầu xuống cấp rất nghiêm trọng.

Cầu sông Giăng trên Quốc lộ 46C (Km105+970) được xây dựng năm 1987 với quy mô nhỏ, tải trọng khai thác thấp. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng phục vụ đi lại cho bà con nhân dân 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện. 

Ban đầu cầu này do Sở Giao thông vận tải Nghệ An quản lý.

Năm 2017, Tỉnh lộ 533 được nâng cấp thành quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Cục Quản lý đường bộ II quản lý.

Trước đó, tối ngày 4/10/2020 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cầu khiến 5 người tử vong. Sau tai nạn bộ Giao thông vận tải đã đồng ý chủ trương xây mới cầu cứng Sông Giăng.

Tuy nhiên mới đây, theo cử tri phản ánh, bộ Giao thông vận tải lại trả lời cử tri là đến thời điểm này vẫn chưa tìm được nguồn vốn phù hợp để bố trí. Như vậy nguy hiểm vẫn ngày đêm rình rập trên cầu sông Găng. 

cầu treo 2.jpg
Cáp treo của cầu hết sức yếu.

Ông Võ Văn Chúc, một người dân sống ngay bên cầu, thuộc xã Phong Thịnh, cho biết: “Cầu yếu lắm rồi, đêm khuy xe chạy qua cầu, cầu cứ nhún lên xuống ầm ầm. Nằm nghe mà sợ lắm”.

Ông Hồ Bá Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, cho biết: “Cầu yếu lắm rồi. Những giờ cao điểm học sinh hai trường cấp 3 hai bên sông và các trường cấp hai hai bên sông tan học thì tắc cứng. Trọng tải cầu lại thấp.

Trước đây có đội quản lí cầu thì xe quá tải không được phép đi, nhưng giờ không có đội quản lí cầu, nên đêm khuy các xe chở đất đá quá tải nó vẫn chạy qua. Không xây cầu cứng mới thì nguy hiểm lắm”.

cầu treo 3.jpg
Mỗi lần xe lên cầu là cầu lại rung ầm ầm.

Hiện tại, cầu không còn phù hợp và không đồng bộ với tải trọng, lưu lượng ngày càng tăng trên tuyến nên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương hai bên sông Giăng.

Bất cập này không chỉ tạo nên nút thắt, điểm nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến năng lực vận tải, khả năng khai thác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua cầu.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc nghiên cứu đầu tư cầu thay thế là cần thiết. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp cầu Sông Giăng vào danh mục dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới thay thế các cầu yếu trên một số tuyến quốc lộ để dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

cầu treo 4.jpg
Cầu chênh vênh hết sức nguy hiểm.

Tuy nhiên, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua chủ yếu tập trung đầu tư các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư dự án này.

Cuối năm 2023, Cầu Sông Giăng từng được đề xuất xây mới với tổng chiều dài đầu tư khoảng 2,1km, trong đó phần cầu chính dài 284m.

cầu treo 5.jpg
Cầu chỉ có tải trọng 5 tấn, nhưng giờ cao điểm và đên khuy luôn phải chịu tải trọng quá mức.

Điểm đầu tại Km 103+200, Quốc lộ 46C thuộc địa phận xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Điểm cuối tại Km 106+150, Quốc lộ 46C thuộc địa phận xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng từng nhận được Văn bản 9417 ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc đầu tư xây dựng cấp bách công trình cầu Sông Giăng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và Văn bản 1988 ngày 16/12/2022 của Cục Đường bộ Việt Nam về công tác quản lý, bảo trì cầu Sông Giăng, Km105+970, Quốc lộ 46C, tỉnh Nghệ An. 

Hoàng Tùng