Đến ngày 8/11, toàn TP.HCM đã có 13 quận, huyện đạt tiêu chí vùng xanh (cấp độ 1 - nguy cơ thấp); 7 quận, huyện trong vùng vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình) và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè trong vùng cam (cấp độ 3 - nguy cơ cao). Giám sát diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong thời gian gần đây.
Mỗi ngày, TP.HCM ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 người mắc COVID-19, hơn 31.000 ca F0 đang tự cách ly và được điều trị tại nhà. Trong đó số, ca F0 mới phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.
Con thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 mới và số ca nhập viện ở "tầng 2" các bệnh viện tại TP.HCM tăng nhẹ trong hai tuần gần đây, đặc biệt tại những quận, huyện có nhiều khu công nghiệp. Dù độ phủ vaccine của thành phố tương đối cao nhưng hiện nay, rất nhiều người từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện có số ca F0 tăng cao như Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Theo khảo sát của ngành y tế, hầu hết ca bệnh là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và trú tại các khu trọ trên địa bàn.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, ngay sau khi phát hiện 9 ổ dịch COVID-19 mới tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương dập dịch. Đến ngày 7/11, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân và phát hiện 81 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát dịch, Sở Y tế phối hợp với Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 Trạm Y tế lưu động từ quận Bình Tân tăng cường cho huyện Hóc Môn.
Bên cạnh đó, Sở đề nghị Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 14 tăng cường hội chẩn, hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.
Quận 12 từ ngày 23/10 đến nay đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0, riêng phường Hiệp Thành ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Theo lãnh đạo quận 12, các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ. Quận 12 đã giám sát và theo dõi, chăm sóc điều trị tại nhà cho 5.643 trường hợp đủ điều kiện cách ly.
Từ đầu tháng 10 đến nay, huyện Bình Chánh có 6.201 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh kháng nguyên và RT-PCR. Huyện Bình Chánh vẫn còn 8 Trạm Y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0.
Mới đây, từ một số trường hợp ở hẻm trên Đường 3/2 (phường 6, quận 10) tự khai báo triệu chứng và tự làm xét nghiệm COVID-19, cơ quan chức năng phường 6 đã tiến hành xét nghiệm và lấy mẫu các hộ lân cận. Kết quả là có hơn 20 hộ ở con hẻm và các hộ ở đường Bà Hạt có cửa thông với hẻm này có ca dương tính. Tất cả người lớn đã được tiêm hai mũi vaccine, trẻ nhỏ chưa được tiêm.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong bối cảnh công nhân tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân.
Các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này; tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các Trạm Y tế lưu động phải tương ứng với số lượng F0 mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.