Tác phẩm của Nguyễn Nhược Pháp thật sự được đông đảo bạn đọc yêu thích là tập thơ “Ngày xưa” gồm 10 bài, viết theo thể thơ 7 chữ và 5 chữ. Trong khi các nhà thơ đương thời đắm say trong tình yêu, khao khát niềm vui hưởng thụ, tìm khoái cảm trong nỗi buồn, thất vọng và cái chết, thì Nguyễn Nhược Pháp đã đem đến cho thơ một cách nhìn mới vào thế giới "ngày xưa", không nhìn thế giới ấy trong vẻ rầu rĩ hoặc quạnh hiu với niềm hoài cổ mà làm cho thế giới ấy sinh động, vui tươi, ngộ nghĩnh qua bút pháp tự nhiên, hài hước, dí dỏm mà không kém thơ.
Đúng như Thế Lữ đã nhận định về văn phong độc đáo của Nguyễn Nhược Pháp: "Khéo đặt những tiếng đột ngột, sống sượng, ngạo nghễ hay những đoạn vui vẻ, nhẹ nhàng, khéo bắt ngòi bút họa theo tư tưởng một cách dễ dàng, tự nhiên, khéo lên tiếng cười vào những đoạn trang nghiêm, nên tiếng cười bao giờ cũng đằm thắm và bao giờ cũng có chừng, đó là những bí thuật của cuốn “Ngày xưa” mà chỉ riêng ông Nguyễn Nhược pháp tìm thấy” (Báo Phong hóa - 1936).
“Sơn Tinh Thủy Tinh” là bài thơ ngộ nghĩnh nhất trong những bài thơ hay của Nguyễn Nhược Pháp. Về câu chuyện thần thoại này đã có nhiều tác giả viết, cũng khá hay, thường thiên về bút pháp sử thi anh hùng ca, nhưng Nguyễn Nhược Pháp không thế.
Ông kể câu chuyện này với mắt nhìn trẻ thơ, cho trẻ thơ làm cho thần thoại trở thành đồng thoại. Phải có tình yêu nhiều lắm với truyện thần thoại cổ tích của dân tộc và với tuổi thơ mới viết được thế.
Lại phải có con mắt nhìn vừa có tính kịch, tính hài lại vừa có tính họa nữa. Còn về tính hài thì đó là bản tính của ông. Nên ông đã viết được một Sơn Tinh Thủy Tinh độc đáo.
Có thể nói ông đã làm mới lại câu chuyện ngàn năm nay đã kể. Bình về bài thơ trên, nhà phê bình bậc thầy Hoài Thanh viết:
"Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần giành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thủy Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:
“Vung tay niệm chú. Núi từng dải,/Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò/Chạy mưa.”
Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy mấy bóng người đương khúc khích cười, hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho ông có một địa vị trên thi đàn.
Nhưng còn điều này nữa mới thật quý với Nguyễn Nhược Pháp, nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến.
Người mến cô bé đi chùa Hương và cùng cô bé san sẻ mọi nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương.
Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy: “Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,/Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương./Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,/Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu!".
Cũng như bài “Sơn Tinh, Thủy tinh”, “Chùa Hương” là bài thơ trữ tình tự sự nhưng có khác là nếu như bài trên, tác giả đứng ra kể thì bài này, tác giả để cho người trong cuộc, cô gái tự kể với đề từ trong ngoặc đơn (Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa).
Thiên ký sự được kể theo trình tự thời gian. Đoạn đầu, đoạn sửa soạn đi chùa, cô gái đã hiện ra với vẻ đẹp rất truyền thống, và đây là thiên ký sự tình yêu nên đoạn thơ đã hấp dẫn người đọc với những câu hé mở của mẹ, của cha. Hình ảnh ngày xưa, người xưa hiện ra với hình ảnh sắc màu sinh động của tranh dân gian với "Thầy theo sau cưỡi ngựa/Thắt lưng dài đỏ hoe", với "Thuyền mấp mênh bên bờ/Đưa cánh buồm lô nhô".
Tác giả chuẩn bị tâm thế, tâm lí cho nhân vật của mình: "Mơ xa lại nghĩ gần/ Đời mấy kẻ tri âm/Thuyền nan vừa lẹ bước/Em thấy một văn nhân".
Và màn "tính kịch" bắt đầu hé ra kiểu "Kiều gặp Kim Trọng" với nỗi niềm cô gái hay nói như bây giờ đã bắt đầu chạm phải tiếng sét ái tình: "Người đâu gặp gỡ làm chi..."
Mẹ em chắc là đã hơi ưa chàng nên hỏi chuyện làm quen. Còn chàng thì chỉ ngắm trời, ngắm núi, ngắm mây... rồi lại còn đọc thơ nữa, chứ không ngắm em, cũng không hỏi chuyện em.
Với lại trong tình yêu "trốn tình yêu thì tình yêu đuổi theo, theo tình yêu thì tình yêu trốn" (Ngạn ngữ Pháp), nên chàng không nói gì chỉ lễ phép trả lời và lơ đãng và say sưa ngắm cảnh, ngâm thơ.
Ấy thế mà cô gái đã "chết" rồi. Cái "chết" này không chỉ nói ra bằng lời nửa kín nửa hở "Em mơ, em yêu đời/ Mơ nhiều... viết thế thôi..." mà được thốt ra bằng nhạc, nhạc tình của khổ thơ vào lại hay nhất của bài thơ:
“Đêm hôm ấy em mừng/Mùi trầm hương bay lừng/Em nằm nghe tiếng mõ/Rồi chim kêu trong rừng".
Những điệp âm "ừng" cuối câu vừa vang vừa trầm là nỗi vui thầm nhưng cứ ngân dài không dứt, vừa muốn giấu đi, vừa muốn khoe ra (như ngày nay ta dùng quán ngữ "sướng âm ỉ").
Nhưng đừng tưởng văn nhân ta vô cảm hay ngơ ngác, không biết gì. Anh chàng này "ngậm miệng ăn tiền", “tẩm ngẩm tầm ngầm chết voi" nên không tán cô gái mà cứ chăm sóc bà mẹ (tức là nịnh trước bà mẹ vợ tương lai".
Và cô gái rất nhạy cảm đã cảm nhận được sự đôn hậu và chu đáo của chàng (con rể tương lai của mẹ): “Đường mây đá cheo veo/Hoa đỏ, tím, vàng leo/Vì thương me quá mệt/Săn sóc, chàng đi theo".
Chỉ một lần "cóc mở miệng" nhưng rất đúng lúc, đúng chỗ, đó là: “Mẹ bảo "đường còn lâu/Cứ vừa đi vừa cầu/Quan Thế Âm Bồ tát/Là tha hồ đi mau”/Em ư? Em không cầu/Đường vẫn thấy đi mau/Chàng cũng cho như thế/(Ra ta hợp tâm đầu)”.
Khổ thơ áp chót là khổ thơ hơi "lộ" nhưng như thế mới thỏa, vì tình yêu chín muồi sẽ trở thành ngây ngất như say men và người trong cuộc không giữ ý nữa, nhất là với cha mẹ là hai người sinh thành đã đồng ý, đã có ý ghép đôi:
“Đường đây kia lên trời/Ta bước tựa vai cười/Yêu nhau, yêu nhau mãi/Đi, ta đi, chàng ơi!”.
Khổ thơ cuối cùng, tác giả lại áp dụng thi pháp "mừng", "lừng" "rừng" ở trên, đó là điệp âm bằng thấp (huyền) nhưng lần này là âm “ang” có độ vang, độ ngân xa hơn, như mở ra một tương lai mơ ước:
"Ngun ngút khói hương vàng/Say trong giấc mơ màng/Em cầu xin giời Phật/Sao cho em lấy chàng".
Đó là một tình yêu chân thật, mà tình yêu chân thật ở thời nào cũng phải dẫn đến hôn nhân, nhất là thời xưa.
Nhưng nếu kết thúc ở đây thì người đọc vẫn "thòm thèm", thấy bài thơ tròn quá, đoạn kết không hé mở cái gì mới theo lối kết "ngỏ" của thơ hiện đại.
Vì vậy tác giả đã chữa khéo bằng một câu văn xuôi ngoại đề rất duyên dáng dí dỏm để trong ngoặc đơn (Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rằng hai người lấy nhau, vì không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều, Lấy nhau, rồi là hết chuyện").